(VOV5) - Diễn biến mới này mở ra hy vọng làm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các bên ký kết vào năm 2015.
Tuần qua, từ ngày 6 – 9/4, tại thủ đô Vienna (Áo), Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã bắt đầu nối lại cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc. Tuy nhiên, việc khôi phục lại thỏa thuận không thể một sớm một chiều, bởi còn cần rất nhiều thiện chí và nhượng bộ của các bên.
Tích cực và đúng hướng là nhận định chung của các bên liên quan sau cuộc gặp tại Vienna về vấn đề hạt nhân của Iran trong 3 năm qua. Diễn biến mới này mở ra hy vọng làm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các bên ký kết vào năm 2015.
Ghi nhận thiện chí của các bên
Việc các bên liên quan ngồi vào bàn họp tại Vienna, Áo là một bước đột phá lớn trong 3 năm qua khi mà có những lúc căng thẳng Mỹ và Iran tưởng chừng như sắp chiến tranh.
Ngày 6/4/2021, tại thủ đô Vienna của Áo, Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã bắt đầu nối lại cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới. Ảnh: THX/TTXVN |
Thời gian qua, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh luôn tích cực để duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nhiều chính sách về kinh tế được các nước này đưa ra để thuyết phục Iran không phá vỡ các cam kết theo thỏa thuận. Những nỗ lực này trở nên thuận lợi khi chính quyền mới của Mỹ Joe Biden có xu hướng đối thoại để nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Chính vì vậy trong nhiều tháng qua, các cường quốc EU tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán chuyên sâu với các bên tham gia thỏa thuận để thúc đẩy các cuộc đàm phán.
Vì vậy, tại cuộc gặp lần này, Mỹ chấp nhận lời mời của đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu tham gia cuộc họp của Nhóm P5 + 1 với Iran ở Vienna, Áo, nhưng với hình thức gián tiếp, trong khi các bên tham gia thỏa thuận, gồm Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Anh gặp gỡ trực tiếp với Iran. Đồng thời, Mỹ cũng hủy bỏ một số hạn chế nghiêm ngặt do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với việc di chuyển của các quan chức Iran làm việc tại Liên Hợp Quốc, hoặc các quan chức Iran đến thăm tổ chức quốc tế.
Mặc dù đánh giá cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về JCPOA tại Vienna đã đi đúng hướng và có những động thái tích cực, song cả phía Mỹ và Iran đều tỏ ra thận trọng và cứng rắn trong các phát ngôn. Tehran tuyên bố sẽ không đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp với Washington trong thời gian tới nếu như Mỹ không dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt. Hôm 10/4, Iran đưa các máy ly tâm tiên tiến làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn vào hoạt động, một động thái cho thấy lập trường cứng rắn của nước này.
Trong khi đó, Mỹ vẫn tuyên bố giữ các lệnh trừng phạt kinh tế cho đến khi Iran ngừng vi phạm thỏa thuận. Dù Washington khẳng định việc nối lại các cuộc đàm phán với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân và tìm cách phát triển nó là ưu tiên hàng đầu của họ trong khu vực Trung Đông. Cuộc gặp tại Áo lần này chỉ là bước khởi đầu và sẽ có những cuộc thảo luận khó khăn phía trước.
Cơ hội mong manh
JCPOA đã được Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) ký vào năm 2015. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận và gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Đáp trả lại, Iran đã tiến hành những bước đi giảm các cam kết theo thỏa thuận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh. Ảnh: IRNA/TTXVN
|
Kể từ khi lên nắm quyền, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran so với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump. Sau khi nhậm chức, ông Joe Biden đã bày tỏ ý định quay trở lại JCPOA nếu Tehran tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận. Ông Joe Biden còn bổ nhiệm đội ngũ chính trị và an ninh đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Barack Obama. Việc lựa chọn đội ngũ này, là một xác nhận và thông điệp từ Tổng thống Biden tới Quốc hội và các đồng minh ở châu Âu và Iran.
Trong khi đó, Iran nhiều lần khẳng định rằng nước này sẽ quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân với điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ tất cả biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Những diễn biến hiện nay cho thấy khó có sự đột phá trong việc nối lại các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân. Cả Mỹ và Iran đều muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015, song câu hỏi ai sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên, hay đưa ra những nhượng bộ trước, để đạt được mục tiêu này, thì còn phải đợi câu trả lời trong thời gian tới.