(VOV5) - Đây là vòng đàm phán quyết định để Iran và các cường quốc đi đến một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran trong suốt 12 năm qua.
Đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ và Đức) đang diễn ra tại Vienna, Áo. Đây là vòng đàm phán cuối cùng để tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện cho chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran nhiều năm nay. Diễn ra trong bối cảnh vẫn tồn tại nhiều bất đồng giữa các bên liên quan, liệu vòng đàm phán lần này có kết thúc đúng thời hạn chót 24/11 như các bên đưa ra hay không, hay kịch bản gia hạn sẽ tiếp tục lặp lại? Đây là điều mà dư luận đang hết sức quan tâm.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bắt tay trong cuộc họp tại Muscat, Oman ngày 9/11 (Ảnh AP) |
Đây là vòng đàm phán quyết định để Iran và các cường quốc đi đến một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran trong suốt 12 năm qua. Nó mang ý nghĩa quyết định bởi nếu đổ vỡ thì tiến trình này có thể kéo dài trong mệt mỏi và bế tắc, gây nên những hậu quả khó lường. Trước đó, bất chấp nỗ lực của các bên, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận lâu dài để hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran nhằm đổi lấy cứu trợ và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đều chưa đi đến kết quả cuối cùng.
Những khác biệt khó kê bằng
Sau khi bỏ lỡ thời hạn 20/7, Iran và P5+1 đã nhất trí kéo dài đàm phán để giải quyết những vấn đề mấu chốt. Tuy nhiên, gần 4 tháng đã trôi qua nhưng các bên vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng dù đã liên tiếp thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa Iran và P5+1, đàm phán song phương Mỹ-Iran, cũng như đàm phán 3 bên Iran, Mỹ và Liên minh châu Âu. Bởi vậy, mọi hy vọng đang được dồn vào cuộc đàm phán lần này, hy vọng đạt được thỏa thuận đúng thời hạn là 24/11 như các bên đưa ra trước đó. Tuy nhiên, các nhà quan sát lại không mấy lạc quan về triển vọng đạt được một kết quả cụ thể tại vòng đàm phán lần này, bởi còn một số bất đồng chưa được khai thông. Nhìn lại cả quá trình đàm phán nhiều năm qua, có thể thấy các bên, dù đã đi được một chặng đường dài trong phân loại ra những vấn đề lớn, nhưng vẫn còn đó nhiều khác biệt ở một số vấn đề mấu chốt, phức tạp và nhạy cảm. Đó là khúc mắc về quy mô năng lực làm giàu hạt nhân của Iran, trong đó có vấn đề lò phản ứng hạt nhân nước nặng ở Arak, thời hạn hiệu lực của thỏa thuận, quy mô nới lỏng lệnh trừng phạt...Và cái vòng luẩn quẩn, một bên là Iran nhanh chóng làm giàu uranium ở mức 20% còn phương Tây tăng cường trừng phạt, cứ liên tục lặp đi lặp lại.
Thiện chí là điều kiện tiên quyết
Dù vậy, không thể phủ nhận trong hơn 10 năm qua, chưa khi nào quá trình đàm phán tiến xa được đến mức như hiện tại. Giữa hai bên đã có sự tin cậy lẫn nhau đủ mức cần thiết để làm cho tiến trình đàm phán, tuy chưa đạt được thoả thuận cuối cùng nhưng không còn có thể bị đảo ngược. Chính thiện chí ấy đã giúp cho lòng tin lẫn nhau đang dần được xây dựng, hai bên đang ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Song, để đi đến một thỏa thuận hài lòng cho tất cả các bên đòi hỏi thêm rất nhiều thiện chí và nỗ lực. Trước vòng đàm phán lần này, Ngoại trưởng Iran Mohammad-Javad Zarif đã bày tỏ lạc quan về một kết quả có hậu cho vòng đàm phán mang tính quyết định này, nhưng cũng không quên nhấn mạnh đến thiện chí và lòng tin. Ông Mohammad-Javad Zarif tuyên bố nếu có sự thiện chí từ phía P5+1, Iran sẵn sàng đáp ứng và đi đến một thỏa thuận. Nếu P5+1 không thiện chí, thì Iran vẫn mong muốn một giải pháp cho vấn đề hạt nhân, nhưng sẽ không đi ngược lại lợi ích của đất nước. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng các bên có thể đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran trước ngày 24/11, tuy nhiên Iran nên "thể hiện sự mềm mỏng hơn nữa" trong việc thuyết phục các đối tác về tính chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của mình. Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho rằng đây là cơ hội lịch sử mà Iran không nên bỏ lỡ để giải tỏa hoàn toàn nghi ngại của cộng đồng quốc tế và đổi lấy cơ hội kinh tế cũng như chấm dứt sự cô lập.
Cơ hội “vàng” cho một thỏa thuận hạt nhân toàn diện
Rõ ràng là thiện chí từ hai phía đều đã có. Trong lúc này, điều cần thiết nhất là các bên phải nhanh chóng tận dụng cơ hội trong những hành động cụ thể. Hiện tại các bên đều ý thức được rằng thời gian càng trôi đi, khả năng đạt được thỏa thuận càng giảm. Bởi nếu không tiếp nối được đà tiến triển lâu nay, sự nghi ngại ắt sẽ lấn át sự tin cậy lẫn nhau, chưa kể có thể đem đến những mâu thuẫn từ nội bộ của từng bên.
Trong bối cảnh bất ổn khu vực ngày càng gia tăng với mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện không chỉ giúp khép lại 35 năm thù địch giữa Iran và phương Tây mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Washington và Tehran trong đó có cuộc chiến chống IS. Mỹ và phương Tây đã đến lúc phải chấp nhận thực tế rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang đóng vai trò quan trọng trong giải quyết một loạt vấn đề tại khu vực Trung Đông đầy bất ổn. Đó là tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, đảm bảo tiến trình chuyển tiếp an ninh thành công tại Afghanistan, khôi phục ổn định tại Liban và Yemen, cũng như đảm bảo hòa bình tại khu vực biên giới giữa Liban và Israel. Bởi vậy, đàm phàm lần này chính là cơ hội “vàng” để Iran và Nhóm P5+1 đạt một thỏa thuận toàn diện, lâu dài, mang lại lợi ích cho tất cả các bên./.