COP-21 chưa đạt đồng thuận chung về quyền lợi nghĩa vụ trước thời khắc quyết định
Ánh Huyền -  
(VOV5) - Hội nghị Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP-21) diễn ra ở Paris, Pháp từ ngày 30/11 đang bước vào giai đoạn then chốt. Mặc dù đã đạt được 1 số tín hiệu tích cực, song 195 quốc gia phải vượt qua những lợi ích riêng để có thể kịp đạt được một thỏa thuận chung toàn cầu.
|
Các nhà đàm phán chỉ còn rất ít thời gian để giải quyết những bất đồng trong dự thảo COP21. (Ảnh: Le Monde). |
Trong suốt hơn 9 ngày làm việc, tức qua 3/4 chặng đường đàm phán cho tới nay, đã có nhiều tín hiệu tích cực từ Hội nghị. Hơn 195 quốc gia đã thống nhất thông qua một bản dự thảo giảm phát thải khí CO2 sau hơn 4 năm được trình ra tại Hội nghị COP 17 ở Durban, Nam Phi. Tuy vậy, bản dự thảo này cũng chưa thể chắc chắn một tương lai tươi sáng hơn cho nhân loại nếu trong ngày làm việc cuối cùng của COP 21 này, các quốc gia chưa thể xây dựng một thỏa thuận mang tính chất ràng buộc pháp lý lâu dài.
Những vấn đề nổi cộm
Dự thảo thỏa thuận đạt được khẳng định khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều quan trọng là thỏa thuận phải mang tính ràng buộc sao cho đạt được mục tiêu con số trên. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ là làm sao ràng buộc được 195 quốc gia một cách công bằng, khi mà vẫn còn sự khác biệt quá lớn giữa các nước về mặt phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cũng như trình độ kinh tế xã hội của các nước giàu và nghèo. Bởi vậy, cần phải tìm được biện pháp để thực hiện mục tiêu này.
Vấn đề gây mâu thuẫn lớn tại hội nghị lần này cũng như khiến rất nhiều lần hội nghị về biến đổi khí hậu mà Liên hợp quốc tổ chức kể từ năm 1995 tới nay không đi đến kết quả, là sự bất đồng chính kiến về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các nước giàu và nghèo. Nghĩa vụ đóng góp tài chính của các nước, vấn đề tài trợ giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu và đòi hỏi của các nước chậm phát triển muốn có quyền phát thải khí carbon nhiều hơn các nước giàu để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, luôn là chủ đề gây tranh cãi. Các quốc gia nghèo yêu cầu các nước giàu có phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước tình trạng nóng lên trên toàn cầu, bởi họ đã sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, từ sau cách mạng công nghiệp để làm giàu cho chính mình. Trong khi đó, Mỹ và các quốc gia phát triển lại cho rằng các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc cần phải hành động nhiều hơn, bởi chính những quốc gia này đang tiêu hao một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, để phục vụ cho nền kinh tế đang lớn mạnh của mình.
Không thể chậm trễ
Thế giới hiện tại đang trên con đường khắc phục và hạn chế tối đa mức nhiệt độ trung bình toàn cầu không vượt quá 2 độ C trước cuối thế kỷ này. Các nhà khoa học khẳng định, nếu không kiểm soát thành công ngưỡng nhiệt độ này, Trái Đất sẽ rơi vào một chu kỳ thảm họa vô cùng thảm khốc và khó có thể đảo ngược. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra cái chết cho hơn 140.000 người mỗi năm và con số này dự kiến sẽ còn tăng gần gấp đôi trong vòng 30 năm tới. Trong khi đó, ngân hàng Thế giới ước tính sự nóng lên toàn cầu sẽ đẩy 100 triệu người phải lâm vào tình cảnh đói khổ, thiếu lương thực, thuốc men và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày trước năm 2030. Nhiệt độ nước biển tăng cao cũng là tác nhân chính khiến băng tan, các thảm họa thời tiết cũng vì thế có những diễn biến thất thường, nguy hiểm và có tần suất cao hơn rất nhiều. Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, lũ lụt đã tấn công 2,3 tỷ người, hầu hết ở Châu Á. Hiện tượng El Nino bùng phát mãnh liệt và có xu hướng thay đổi thất thường cũng tạo nên những đợt hạn hán kỷ lục tại nhiều nơi trên thế giới. Ước tính, những đợt hạn hán đã giết chết 148.000 người, đa số ở Châu Âu. Cháy rừng cũng ảnh hưởng tới 108.000 người khác, chi phí thiệt hại ước tính hơn 11 tỷ USD.
Quyết định vận mệnh loài người
Quy mô và sức tàn phá của biến đổi khí hậu là không thể lường trước được và các quốc gia đều nhận thức được rõ điều này. Tuy nhiên, để biến nhận thức thành hành động mới là điều đáng nói. Vấn đề này cũng đã được đưa vào chương trình bàn thảo của nhiều hội nghị COP trước đó. Nhưng tất cả hy vọng luôn dập tắt tại những phiên thảo luận cuối cùng và sự bế tắc tiếp tục nối dài qua nhiều hội nghị. Chính vì vậy mọi hy vọng đang dồn lên Hội nghị lần này. Rõ ràng, thế giới con người đang phải trải qua quá nhiều biến động như khủng bố, di cư, chiến tranh, khiến mỗi quốc gia khó có thể tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế hy vọng với nhận thức về tính cấp thiết trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu, những thỏa thuận tại COP 21 lần này sẽ không chỉ mang tính ngoại giao, mà đi cùng nó sẽ là những quyết tâm thực sự, những giải pháp thực sự của tất cả các quốc gia, quyết định vận mệnh của loài người.
Ánh Huyền