(VOV5) -Dù muốn hay không, cả Anh và Mỹ đều cần đến nhau, và cần củng cố lại “mối quan hệ nhất quán và đặc biệt Anh – Mỹ”,
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đệ nhất phu nhân Melania Trump đang có chuyến thăm chính thức 3 ngày đến Anh (3- 5/6) theo lời mời của nữ hoàng Elizabeth II. Tuy quan chức 2 bên khẳng định chuyến thăm nhằm tái khẳng định mối quan hệ nhất quán và đặc biệt giữa Mỹ và Anh song dư luận cho rằng mục tiêu này không dễ dàng bởi quan hệ đồng minh thân thiết giữa 2 quốc gia gặp rất nhiều sóng gió kể từ khi ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania đáp máy bay tới London ngày 3.6.2019
-Nguồn ảnh AFP
|
Lịch trình chuyến thăm Anh của Tổng thống Mỹ dày đặc những nghi thức ngoại giao. Đó là có bữa ăn trưa riêng với nữ hoàng Anh Elizabeth, thưởng trà với hoàng tử xứ Wales và nữ công tước xứ Cornwall, dự tiệc tại cung điện Buckingham. Tổng thống Mỹ và phu nhân cũng tham dự một buổi lễ tại thành phố Portsmouth để đánh dấu 75 năm cuộc đổ bộ của quân Đồng minh từ Anh sang châu Âu đánh phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nhân dịp này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Thủ tướng Anh Theresa May - người sẽ từ chức vào ngày 7/6 tới.
Những phát ngôn gây mếch lòng giới chức Anh
Chuyến công du Anh quốc lần này của ông Trump không được nhiều quan chức Anh chào đón. Bởi ngay trước chuyến thăm chính thức, người đứng đầu Nhà Trắng thẳng thừng tuyên bố Mỹ ủng hộ Anh rời EU (Brexit) mà không cần thỏa thuận gì, một vấn đề đang gây chia rẽ trong nội bộ nước Anh trong suốt thời gian qua. Ông Trump cũng kêu gọi Anh không nên chấp nhận thanh toán khoản "phí chia tay" EU đã được Anh và EU thống nhất trong thỏa thuận Brexit đạt được hối cuối năm 2018.
Thậm chí, Tổng thống Mỹ còn khẳng định luôn rằng cựu Ngoại trưởng Boris Johnson là lựa chọn "tuyệt vời" để thay thế Thủ tướng Theresa May lãnh đạo nước Anh và đảng Bảo thủ cầm quyền. Ông Johnson là người có quan điểm ủng hộ London cắt đứt hoàn toàn với Brussels và Anh nên rời EU dù có hay không thỏa thuận.
Tình hình căng thẳng với Trung Quốc cũng như việc trừng phạt Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc dự tính cũng được ông Trump đề cập khi tiếp xúc với giới chức Anh. Theo giới phân tích, trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh, có thể ông Trump sẽ gây sức ép yêu cầu London không cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G. Trước đó, trả lời phỏng vấn với tờ Sunday Times số ra ngày 2/6, khi được hỏi về việc London có kế hoạch cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G, ông Trump cảnh báo Anh cần cực kỳ thận trọng khi xét về vấn đề an ninh quốc gia.
Những phát ngôn trên được ông chủ Nhà Trắng đưa ra trong khi những động thái gây tổn hại tới mối quan hệ với Anh vẫn chưa được xoa dịu. Đó là việc Mỹ theo đuổi những chính sách gây rạn nứt cho quan hệ hai nước, như rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran…
Trong bối cảnh trên, dễ hiểu khi giới chức Anh cho rằng Tổng thống Mỹ đã can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Vương quốc này. Thị trưởng London Sadiq Khan trong một bài viết đăng tải trên tờ “Người quan sát” gọi ông Trump là “một trong những ví dụ điển hình nhất về mối đe dọa toàn cầu đang gia tăng”. Trong khi đó, Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn thì nói các bình luận của ông Trump là sự can thiệp không chấp nhận được vào tình hình nội bộ của nước Anh. Ông cũng nhấn mạnh việc tẩy chay bữa tiệc tối đón Tổng thống Mỹ tại cung điện Buckingham. Lãnh đạo nhiểu đảng đối lập khác cũng có động thái tương tự như ông Jeremy Corbyn. Vì vậy, ông Trump cũng sẽ không phát biểu trước Nghị viện Anh vì bị các nghị sĩ phản đối.
Sẽ không có những thỏa thuận đột phá
Phát biểu trên trang mạng xã hội Twitter vài phút trước khi chiếc Không lực 1 hạ cánh xuống sân bay Stansted ở thủ đô London, Tổng thống Donald Trump bày tỏ mong muốn sẽ trở thành một người bạn lớn đối với Anh, cũng như trông đợi nhiều vào chuyến thăm này. Trong khi đó, trước chuyến thăm của Tổng thống Trump, Thủ tướng Theresa May nói rằng đây là “một tuần ý nghĩa cho mối quan hệ đặc biệt (Anh – Mỹ) và là cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đối tác đã rất gần gũi giữa hai nước.”
Tuy nhiên thực tế cho thấy chuyến thăm sẽ khó đạt được những thỏa thuận đột phá vì nếu có, chúng thường được quảng bá từ trước, và sự bất trắc về Brexit khiến hai nước có ít không gian để đạt được các thỏa thuận lớn. Ngay cả Tổng thống Trump cũng chỉ hy vọng khả năng đạt được "thỏa thuận thương mại rất lớn" giữa hai nước ở trong tương lai gần.
Về tổng quan có thể thấy ông Trump không được lòng người Anh. Tuy nhiên Washington và London vốn là đồng minh lâu năm quan trọng ở phương Tây, vẫn có chung nhiều lợi ích chiến lược và kinh tế đóng vai trò then chốt cho sự thịnh vượng của hai nước.
Vì vậy, dù muốn hay không, cả Anh và Mỹ đều cần đến nhau, và cần củng cố lại “mối quan hệ nhất quán và đặc biệt Anh – Mỹ”, mối quan hệ vốn bị tổn thương nhiều kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.