(VOV5) - Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày 15-16/12/2016 tại Hà Nội với chủ đề “ Phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu”.
Kể từ lần đầu tiên được tổ chức năm 1998 đến nay, hội thảo quốc tế Việt Nam học đã dần đưa Việt Nam trở thành địa chỉ nghiên cứu Việt Nam học của toàn thế giới.
Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học là sinh hoạt khoa học, là diễn đàn học thuật thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam. Hội thảo cũng hướng tới việc đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu, quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tiến tới hình thành một tổ chức quốc tế về Việt Nam học mà ở đó Việt Nam đóng vai trò trung tâm.
|
Cuốn sách nghiên cứu Việt Nam của các chuyên gia người Nga |
Chặng đường để định hình một thương hiệu hội thảo
Năm 1998, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần đầu tiên được tổ chức, thu hút trên 300 nhà khoa học quốc tế đến từ 27 quốc gia thuộc khắp các châu lục tham gia. Riêng phiên khai mạc hội thảo đã có trên 1.000 người tham dự. Với chủ đề “Nghiên cứu Việt Nam và phát triển hợp tác quốc tế”, hội thảo có 15 tiểu ban, 395 báo cáo, trong đó có 163 báo cáo của các nhà khoa học quốc tế. Hội thảo Việt Nam học lần 2 được tổ chức năm 2004, có chủ đề “Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại”, với 10 tiểu ban, 316 báo cáo trong đó có 104 báo cáo quốc tế. Hội thảo Việt Nam học lần 3 tổ chức năm 2008, có chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”, với 18 tiểu ban, 531 báo cáo trong đó có 160 báo cáo quốc tế. Lần thứ tư, Hội thảo Việt Nam học diễn ra năm 2012, có chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, qui tụ gần 1000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 15 tiểu ban. Hội thảo Việt Nam học lần 5, với chủ đề “ Phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu”. Khoảng 700 báo cáo của các nhà khoa học khắp năm châu đã được gửi tới hội thảo.
Tham gia giải quyết các vấn đề đương đại
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 được tổ chức thành 6 tiểu ban chuyên môn, bao gồm: Tiểu ban 1 – Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Tiểu ban 2 – Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3 – Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4 – Chuyển giao tri thức và công nghệ; Tiểu ban 5 – Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6 – Biến đổi khí hậu. Về cách tổ chức các tiểu ban chuyên môn này, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban tổ chức Hội thảo, cho biết: Trước đây, chúng ta thường tập trung vào các vấn đề của khoa học xã hội và nhân văn thì hiện nay, các vấn đề đó đã mở rộng ra đến các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo, chuyển giao công nghệ, tri thức, đặc biệt là vấn đề biển đổi khí hậu. Theo cách tiếp cận thứ hai này thì chúng ta hiểu là ngoài mục tiêu truyền thống là quy tụ, tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu Việt nam học trao đổi học thuật và phát triển các vấn đề về học thuật, kết nối mạng lưới nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, hội thảo lần này còn tập trung giải quyết những vấn đề đương đại của Việt Nam.
Theo cách tổ chức nội dung này, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 đề cập đến hàng loạt vấn đề thời sự của đất nước. Đó là việc nhận diện Việt Nam trong quá trình hội nhập và bước đường Việt Nam sẽ đi tiếp; những vấn đề đặt ra khi văn hóa không chỉ là lĩnh vực của đời sống tinh thần mà còn là nguồn lực cho sự phát triển bền vững; quá trình hội nhập về kinh tế của Việt Nam; giáo dục – yếu tố quyết định sự thành công của quá trình đổi mới và cuối cùng là sự phát triển bền vững của Việt Nam không thể tách rời yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu.
Địa chỉ trung tâm cho các nghiên cứu về Việt Nam
Trên thế giới, đã có khoảng 40 nghìn bài báo khoa học nghiên cứu về Việt Nam, trong đó 50% là của các tác giả nước ngoài. Như vậy là Việt Nam là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới. Với Hội thảo quốc tế Việt Nam học, các nhà tổ chức đặt ra mục tiêu là tăng cường kết nối, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu để phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam. Giáo sư Tiến sỹ Vũ Minh Giang, chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: Đây là cơ hội để chúng ta tiếp cận được những công bố mới nhất về Việt Nam trên tất cả các phương diện. Cứ 4 năm một lần, các nhà khoa học đem đến hội thảo những kết quả nghiên cứu tươi mới, cái mà họ cho là hay nhất để trình bày, là cái mà Việt Nam được hưởng lợi. Chúng ta vừa thu thập được kiến thức khoa học, vừa nâng cao được nhận thức, vừa học hỏi được về phương pháp nghiên cứu, cũng phát triển được mối quan hệ với các nhà nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới.
Theo thông lệ, kết quả của các Hội thảo quốc tế Việt Nam học được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Thông qua các trao đổi và kết nối tại Hội thảo, Ban Tổ chức còn đề xuất các giải pháp để thiết lập, xây dựng và phát triển Trung tâm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam.