(VOV5) - Chỉ trong 1 thời gian ngắn, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một tổ chức cực đoan, đã gây bạo loạn tại nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq và đang có dấu hiệu mở rộng hoạt động sang nước láng giềng Syria. Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 27/8, Liên hợp quốc khẳng định các tay súng của IS phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Tuy cộng đồng quốc tế đã có những hành động và phản ứng bước đầu trước sự nguy hiểm của IS nhưng đẩy lùi hoạt động của tổ chức cực đoan này là điều không đơn giản.
|
Các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Ảnh AP) |
Cộng đồng quốc tế đang ngày càng lo ngại về mối đe dọa IS sau các cuộc tấn công của nhóm này khắp Iraq và đặc biệt là vụ IS sát hại nhà báo Mỹ James Foley tại Syria. Đáng chú ý hơn là lực lượng IS tại Syria lần đầu tiên củng cố sự kiểm soát của mình đối với toàn bộ tỉnh miền Bắc Raqqa, sau khi chiếm căn cứ không quân chiến lược al-Tabaqa. Những ngày gần đây, nhóm này cũng đã tiến đến tỉnh Aleppo và kiểm soát tỉnh Deir Ezzor nhiều dầu mỏ. Các tay súng IS đã tàn sát, bắt cóc, tra tấn, buôn bán người không phải gốc Ả Rập và người không thuộc dòng Hồi giáo Sunni ở Iraq, phá hoại các địa điểm văn hóa và tôn giáo. Hàng trăm người đã bị IS sát hại và hơn 2.500 người bị bắt cóc từ đầu tháng 8. IS còn ép trẻ em 15 tuổi phải nhập ngũ và sử dụng các tân binh nhỏ tuổi như lá chắn sống.
Thành lập một liên minh quốc tế chống IS là cần thiết
Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey cho rằng các tay súng cực đoan thuộc nhóm IS là một nguy cơ đe dọa an ninh khu vực Trung Đông nhưng sẽ sớm trở thành nguy cơ đe dọa trực tiếp đối với an ninh không chỉ của nước Mỹ mà cả châu Âu. Do vậy, việc hình thành một liên minh quốc tế chống lại IS giờ đây là cần thiết. Trước thực tế trên, 7 quốc gia (Anh, Canada, Albania, Croatia, Đan Mạch, Italy và Pháp) nhất trí cùng Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq để chống lại các cuộc tấn công của các tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này đang thảo luận với Mỹ và các đối tác quốc tế khác về khả năng có hành động quân sự nhằm vào IS tại Syria song Berlin sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động can thiệp quân sự nào tại đó. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì hối thúc tất cả các nước trong khu vực và Iran hãy sát cánh cùng các quốc gia Phương Tây chiến đấu chống lực lượng phiến quân nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành tại Iraq và Syria. Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc Liên hợp quốc cũng đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Iraq. Dự kiến, Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) sẽ tổ chức một phiên họp khẩn tại Geneva vào ngày 1/9 để bàn về các hành vi tàn bạo của IS và các nhóm phiến quân khác ở Iraq.
Trên chiến trường, hành động của IS tại Iraq đã buộc Mỹ phải tiến hành các cuộc không kích ở miền Bắc Iraq từ đầu tháng 8. Tại nước láng giềng Syria, máy bay Mỹ cũng bắt đầu do thám trên bầu trời Syria trong khi phiến quân IS đang hứng chịu nhiều đợt không kích quyết liệt của quân Chính phủ. Theo công bố của Mỹ, kể từ 8/8, các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Mỹ thực hiện hàng chục cuộc không kích nhằm vào lực lượng IS.
Khó khăn không nhỏ
Hàng loạt quan chức và chuyên gia an ninh cho rằng việc IS tấn công Mỹ và phương Tây chỉ là vấn đề thời gian. Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden nhận định tấn công phương Tây sẽ là cách để IS thể hiện tham vọng. Vì vậy, việc chống IS đòi hỏi khả năng thống nhất và hợp tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, điều này khá khó khăn. Dẫn chứng điển hình là giới chức Mỹ ngày 26/8 bác bỏ khả năng hợp tác với Damascus chống lại IS tại Syria. Lý do được Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đưa ra là vì Mỹ coi chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad chính là mối đe dọa khủng bố. Trong khi đó, các chỉ huy quân sự Mỹ đang hoạch định các phương án để chống lại IS cả ở Iraq và Syria, bao gồm cả một chiến dịch không kích. Tuyên bố này như dội gáo nước lạnh đối với chính quyền Syria sau khi Syria lần đầu tiên bày tỏ sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để đẩy lùi các tay súng cực đoan IS. Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cảnh báo rằng Syria không chấp nhận các cuộc tấn công quân sự đơn phương của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Mọi hành động vi phạm chủ quyền của Syria sẽ bị coi là xâm lược. Ngay tại nước Mỹ, một loạt nghị sỹ yêu cầu chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải xin ý kiến Quốc hội trước khi phát động cuộc không kích vào các mục tiêu của IS bên trong lãnh thổ Syria.
Đáng lo ngại hơn, trong công bố mới nhất ngày 28/8, Chính phủ Mỹ và Australia cùng báo động về tình trạng công dân nước mình tới Syria để gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Một quan chức Mỹ thừa nhận mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ hiện nay là các tay súng này quay trở về nước và tổ chức các cuộc tấn công khủng bố. Trong khi đó, giám đốc tình báo Australia David Irvine ước tính khoảng 60 công dân nước này đã trở thành thành viên của IS và nhóm Al-Nusra (có quan hệ với Al-Qaeda). Ngoài ra, có 100 người ở Australia đang hỗ trợ mạng lưới tuyển quân của các tổ chức cực đoan tại Syria và Iraq.
Trong khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đang không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng thì việc quốc tế liên kết ngăn cản bước tiến của các tay súng này là cần thiết. Tuy nhiên thực tế cho thấy để việc làm này có kết quả là điều không đơn giản./.