Syria: Gian nan mục tiêu tái thiết đất nước
Ánh Huyền -  
(VOV5) - Lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm qua, hôm nay, cử tri Syria đi bỏ phiếu bầu Tổng thống mới. Dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng với lợi thế gần như tuyệt đối, Tổng thống đương nhiệm Bashar Al-Assal gần như đã nắm chắc chiếc ghế quyền lực, tiếp tục lãnh đạo quốc gia Trung Đông trong nhiệm kỳ 7 năm tới. Tuy nhiên, để khôi phục an ninh, ổn định, tái thiết đất nước, trong bối cảnh cuộc nội chiến ở quốc gia này bước sang năm thứ 4 liên tiếp, là thử thách không dễ vượt qua.
|
Tổng thống Syria Bashar al-Assad tái tranh cử trong năm nay, không còn đối mặt với nguy cơ bị lật đổ (Ảnh: Internet) |
Tham gia tranh cử có 3 ứng cử viên là đương kim Tổng thống Bashar Al-Assad, cựu Bộ trưởng Hassan Al-Nouri và nhà lập pháp Maher Hajjar. Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Bashar Al-Assad gần như chiếm ưu thế tuyệt đối để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.
Những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Thứ nhất, việc Quốc hội Syria quy định bất kỳ ứng cử viên nào tranh cử đều phải có thời gian sống ở Syria ít nhất 10 năm qua và không có quốc tịch của bất kỳ nước nào khác, rõ ràng là một động thái nhằm ngăn chặn các nhân vật đối lập đang sống lưu vong ở nước ngoài tham gia tranh cử, dọn đường cho Tổng thống Al-Assad giành chiến thắng. Thứ hai, khoảng 90% dân số Syria hiện đang sinh sống tại các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Syria, đảm bảo đủ điều kiện để cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra thành công. Thứ ba, lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Al-Assad thời gian qua liên tục giành lại quyền kiểm soát hàng loạt thành phố và vị trí chiến lược.
Trong khi đó, tình hình khu vực cũng đang diễn biến theo hướng có lợi cho chính quyền Syria. Kết quả bước đầu các vòng đàm phán hạt nhân Iran cùng tin vui từ nước láng giềng Iraq khi liên minh cầm quyền người Shi’ite giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử mới đây càng tiếp thêm sức mạnh của cho lực lượng chính quyền của Tổng thống Al-Assad củng cố vị trí, tiến tới kết thúc cuộc nội chiến.
Gian nan tái thiết đất nước
Không thể phủ nhận một thực tế rằng hiện tại, vị đương kim Tổng thống Bashar Al-Assad đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, khả năng duy trì lợi thế này một cách lâu dài thì, theo các nhà phân tích, lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Hơn ba năm sau khi làn sóng nổi dậy bùng phát, Syria vẫn chìm trong nội chiến khiến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội lâm vào tình trạng hết sức bi đát. 160 nghìn người thiệt mạng, 9 triệu người phải ly tán hoặc lánh nạn sang các nước láng giềng, hơn 40% cơ sở hạ tầng nhà cửa bị phá hoại. Quy mô của nền kinh tế Syria đã giảm sút nghiêm trọng và hiện nay, theo ước tính, tiến trình tái thiết Syria sẽ mất khoảng 165 tỷ USD (tương đương với ngân sách chi tiêu của Syria trong 18 năm liên tiếp) chưa kể đến những khó khăn sẽ tiếp tục phát sinh. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng phức tạp, chính quyền của Tổng thống Al-Assad thật khó có thể trụ vững nếu thiếu sự hậu thuẫn từ bên ngoài.
|
Quân nổi dậy Syria (Ảnh: Internet) |
Thêm vào đó, số lượng các nhóm vũ trang tham chiến ở Syria không những không giảm đi mà có xu hướng tăng. Phe đối lập vũ trang Syria, chủ yếu là các nhóm Hồi giáo thánh chiến và khủng bố có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, hoạt động ngày càng mở rộng và nguy hiểm. Nguy hiểm hơn, tình trạng cát cứ cũng đang hiện hữu khi mỗi lực lượng đều cố gắng xây dựng quân đội riêng để “tự tung, tự tác”. Dù giành lại quyền kiểm soát từ nhiều khu vực trước đây thuộc về lực lượng nổi dậy, nhưng chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad dường như chưa thể giành được sự ủng hộ hoàn toàn từ người dân. Việc sử dụng pháo, rocket và bom gây thương vong lớn cho dân thường ở những vùng giao tranh, gây tâm lý hận thù trong dân chúng. Trong khi đó, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ các nhóm vũ trang sẽ buông súng đầu hàng trong thời gian tới. Mâu thuẫn và xung đột về lợi ích, văn hóa, lòng trung thành… tiếp tục nảy sinh trong xã hội Syria với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử tổng thống lần này được xem là thông điệp mang tính biểu tượng cao nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Tổng thống Al-Assad, đồng thời tìm kiếm giải pháp chất dứt cuộc xung đột hiện nay. Song, với những khó khăn và mâu thuẫn nội tại, công cuộc khôi phục an ninh, ổn định xã hội của ông Al-Assad chắc chắn sẽ phải mất một chặng đường dài.
Cách đây hơn 3 năm, nhiều người tin rằng việc Tổng thống Bashar Al-Assad bị lật đổ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, giờ đây hầu như chẳng còn ai nghĩ đến điều này. Cuộc bầu cử Tổng thống sau nửa thế kỷ, với chiến thắng gần như chắc chắn thuộc về ông Bashar Al-Assad, là thông điệp rõ ràng về sự vững vàng của Syria trước sức ép mạnh mẽ từ các thế lực bên ngoài. Không ai có thể quyết định thay vận mệnh đất nước bằng chính người dân và điều này đang được người dân quốc gia Trung Đông này thấm thía, ngay cả khi đang đối mặt với nhiều nỗi lo toan trong cảnh “tha hương”./.
Ánh Huyền