(VOV5)- Các nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) vừa nhất trí gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng để tiếp tục gây áp lực lên Moscow về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy lệnh trừng phạt này cần phải được lãnh đạo các nước thành viên EU thông qua tại Hội nghị của khối diễn ra một vài ngày tới nhưng trong suốt quá trình thảo luận về nội dung này trước đó, bất đồng về việc gia hạn trừng phạt Nga ngày càng lộ rõ.
Đại sứ từ 28 nước thành viên EU đồng thuận trong cuộc họp hôm 21/6 về việc kéo dài lệnh trừng phạt Nga tới ngày 31-1-2017 với lý do không có bất kỳ sự tiến triển nào trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
|
Một cuộc họp của Liên minh châu Âu EU. - Ảnh minh họa - KT
|
Quyết định kéo dài lệnh trừng phạt được đưa ra ngay sau khi Nga tổ chức diễn đàn kinh tế quốc tế ở TP St. Petersburg (16 – 18/6). Tại diễn đàn kinh tế được xem là phiên bản mini của diễn đàn Davos, Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều phát biểu mang tính hàn gắn với EU. Đặc biệt, ông nói sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trả đũa EU trước, với điều kiện tổ chức này thực hiện điều ngược lại.
Lộ rõ bất đồng nội bộ
Quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt Nga được EU đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước thành viên hối thúc liên minh này cải thiện quan hệ với Moscow. Thậm chí ngày càng có nhiều chính trị gia EU nối lại quan hệ với Nga sau một thời gian dài căng thẳng do những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Italy, Hy Lạp và Hungary đặt ra câu hỏi về việc có cần thiết phải kéo dài lệnh trừng phạt không. Thủ tướng Italy Matteo Renzi gần đây kêu gọi thảo luận về hiệu quả của các biện pháp cấm vận kinh tế trước khi gia hạn trừng phạt Nga. Thư ký đảng Liên minh Bắc Italy, thành viên Quốc hội, ông Paolo Grimoldi thì khẳng định các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của EU gây thiệt hại cho nền kinh tế Italy khi đã mất 3,7 tỷ euro do không xuất khẩu được hàng hóa sang Nga. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng EU nên dỡ bỏ dần dần các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Đầu tháng này, Quốc hội Pháp đã thông qua nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi Chính phủ nới lỏng dần các biện pháp trừng phạt Nga. Thierry Mariani, một thành viên đảng Trung hữu Cộng hòa, cho biết họ kiến nghị dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Nga vì việc này hoàn toàn không hiệu quả, đồng thời gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế Pháp.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với người đứng đầu các cơ quan truyền thông quốc tế tại Diễn đàn kinh tế St Petersburg. (Ảnh minh họa: PA) |
Trong khi đó, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Laychek thừa nhận đang có "nhu cầu ngày càng tăng về cuộc thảo luận chính trị" dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Liên bang Nga. Thành viên phái đoàn Ukraine trong Nghị viện Hội đồng Châu Âu, bà Nadezhda Savchenko ủng hộ việc bãi bỏ dần các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga. Bà cho rằng biện pháp trừng phạt kinh tế cần hủy dần theo thời gian, từng bước một.
Theo giới phân tích, sở dĩ ngày càng có nhiều quốc gia thành viên EU kêu gọi dỡ bỏ lênh trừng phạt Nga vì ngoài việc thiệt hại về kinh tế thì việc EU cần tập trung hiện nay phải là giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Tuy nhiên, tại các nước Baltic và Ba Lan, quan điểm phản đối dỡ bỏ trừng phạt Nga vẫn còn mạnh mẽ. Cùng quan điểm này, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định rằng không thể thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga, trước khi hòa bình được thiết lập ở Đông Ukraine.
Thực tế trên cho thấy châu Âu đang bất đồng sâu sắc về cách thức giải quyết vấn đề Nga. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thừa nhận quan điểm chung về gia tăng lệnh trừng phạt chống lại Nga khó khăn hơn so với một năm trước đây. Thậm chí Tờ báo Le Monde (Pháp) bình luận việc EU gia hạn trừng phạt Nga không phải bởi họ hoàn toàn muốn mà bởi chưa tới thời điểm, đặc biệt là việc giữ thể diện cho "sự đoàn kết của các nước EU".
Thiệt hại cho cả 2 bên
EU bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế Nga hồi tháng 7-2014. Đến tháng 9/2014, lệnh trừng phạt được siết chặt, nhắm vào các ngân hàng, các tập đoàn năng lượng và vũ khí của Nga. Hiện EU đang là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, chiếm tới gần 45% tổng kim ngạch thương mại của nước này trong năm 2015. Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU sau Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sỹ, đồng thời giữ vai trò là một trong những nước cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu mỏ lớn nhất của châu Âu. Tuy nhiên, trong năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và EU đã giảm mạnh từ gần 420 tỷ USD trong năm 2013 xuống còn hơn 230 tỷ USD do những tác động của sức ép trừng phạt.
Việc phê chuẩn quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt Nga có thể được tiến hành vào ngày 24/6 hoặc tại hội nghị của các nhà lãnh đạo EU diễn ra tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 28-29/6. Dù sớm hay muộn thì quyết định gia hạn cũng sẽ được chính thức thông qua nhưng rõ ràng sau 2 năm áp đặt trừng phạt, có lẽ điều mà châu Âu nhận thấy là cái giá của sự chia rẽ ngày càng cao. Liên minh này không chỉ phải chịu đựng những tổn thất kinh tế gây ra từ chính sách đó mà còn phải lo giữ đoàn kết nội khối trong việc đối phó với Nga.