(VOV5) - Bế tắc chính trị kéo dài ở Syria đang đứng trước cơ hội được khai thông khi hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ vừa chính thức tuyên bố nhất trí thiết lập một cơ chế hợp tác song phương để cùng giải quyết vấn đề này. Việc Nga-Mỹ bắt tay nhau để giải quyết khủng hoảng Syria được xem là tín hiệu tích cực đầu tiên, mở ra hy vọng cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
|
Bạo lực luôn đe dọa viễn cảnh hòa bình tại Syria - Ảnh: Reuters |
Cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vòng hơn 2 năm qua vừa diễn ra bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Cuộc gặp kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và mặc dù thừa nhận còn nhiều bất đồng nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định hai bên đạt được nhận thức chung: Sẽ hợp tác ở mức cao nhất trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở Syria.
Nga - Mỹ bắt tay
Cùng một mục tiêu chung là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vốn hiện đang kiểm soát hơn một nửa lãnh thổ Syria, nhưng Nga, Mỹ và phương Tây luôn có quan điểm trái ngược nhau. Nga thì ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và hỗ trợ phương tiện, vũ khí và quân đội để Syria tiêu diệt phe đối lập và IS. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây thì cho rằng chính ông Bashar al-Assad là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị và di dân ở Syria. Chỉ khi nào ông al-Assad chấp nhận từ chức và chuyển giao chính trị thì nội chiến sẽ chấm dứt và nạn di dân ở quốc gia này sẽ được giải quyết. Nhưng thực tế, cuộc chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 5 liên tiếp. Các giải pháp cả ngoại giao lẫn quân sự vẫn không thể giúp quốc gia này thoát khỏi “cơn ác mộng” của chiến tranh và bạo lực. Tổng thống Bashar al-Assad không dễ gì từ chức theo sự sắp đặt của Mỹ và phương Tây, mà luôn cho rằng sự chuyển tiếp chính trị ở nước này chỉ xảy ra khi thông qua lá phiếu bầu của người dân.
Chính thực tế này, cộng với làn sóng di dân ồ ạt và một nửa quốc gia Syria đang nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo IS, đã khiến cả Nga, Mỹ nhận thức rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay phải là chung sức đánh bại những kẻ khủng bố.
Mở ra nhiều giải pháp
Rõ ràng sự xích lại gần nhau giữa Nga và Mỹ đã tạo đà cho cải thiện quan hệ giữa Nga với phương Tây. Bằng chứng là ngay sau khi cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Mỹ B.Obama và Tổng thống Nga V.Putin được lên lịch trình, lãnh đạo các cường quốc Châu Âu như Đức, Anh, Pháp cũng nhen nhóm cuộc gặp tương tự với ông Putin. Nguồn tin từ chính phủ Đức mới đây khẳng định Thủ tướng nước này, bà Angela Merkel sẽ có cuộc gặp với Tổng thống V.Putin tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm “Norman +” ở thủ đô Paris ngày 2/10 tới. Bà A. Merkel cũng tuyên bố trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Syria, điều cần thiết là phải đối thoại với nhiều bên, trong đó bao gồm cả chính quyền Damacus. Cuộc khủng hoảng chỉ có thể được khắc phục thông qua các nỗ lực của EU, Mỹ, Nga và các nước Trung Đông. Rõ ràng, đây được coi như lời mời chính thức đầu tiên tới Moscow cùng tham gia vào giải quyết vấn đề Syria. Đây cũng là quan điểm mang tính “xuống thang” của một cường quốc phương Tây, vốn có tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất trong EU về sự can dự của Nga vào cuộc nội chiến ở Syria.
Trong khi đó, thủ tướng Anh David Cameron, trong một tuyên bố tại Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây cũng bất ngờ lên tiếng đề nghị để Tổng thống Syria B. al-Assad tiếp tục nắm quyền trong chính phủ chuyển tiếp, đồng thời cho rằng Moscow cần tham gia vào các hành động tập thể để chống lại IS. Đáng chú ý, cách đây 2 năm, chính ông D.Cameron là người đi tiên phong trong việc phát động chiến dịch không kích chống lại chế độ của Tổng thống B.al-Assad và luôn giữ nguyên quan điểm Tổng thống B. al-Assad phải ra đi là điều kiện tiên quyết cho quá trình thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Syria.
Không thể thiếu Nga trong liên minh chống IS
Trên thực tế, Nga có vai trò hết sức quan trọng đối với Syria trong giải quyết khủng hoảng ở quốc gia này. Bởi lẽ, hai nước có quan hệ lâu đời và là đồng minh thân cận. Sự can thiệp, hỗ trợ vũ khí và quân đội gần đây của chính quyền Moscow cho đồng minh Damacus không chỉ khiến Mỹ mà cả các nước phương Tây lo ngại. Chỉ duy nhất ông Putin là người có thể đối thoại với Tổng thống Al-Assad và có thể giúp thay đổi cục diện cuộc chiến chống IS ở Syria. Có lẽ đã đến lúc Mỹ và các nước EU nhận ra rằng chia rẽ, bất đồng trong quan hệ với Nga chỉ làm suy yếu sức mạnh trong cuộc chiến chung chống IS, đe dọa cơ hội trị tận gốc lực lượng khủng bố này. Bởi thế, đã đến lúc các cường quốc phải tạm gác các lợi ích riêng trong việc sử dụng con bài chiến lược Syria ở Trung Đông để phục vụ sự nghiệp chung chống IS. Do vậy, dù còn bất đồng quan điểm và lợi ích, song đối thoại, hợp tác là lựa chọn của các bên hiện nay, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011, làm hơn 240.000 thiệt mạng cùng hàng triệu người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn.