(VOV5) - Syria tuyên bố coi các hành động của Mỹ là “xâm lược công khai”, đồng thời cáo buộc Mỹ đang hợp tác với các lực lượng phiến quân chống chính phủ Syria.
Chỉ vài ngày sau khi Mỹ bắn hạ một máy bay chiến đấu của quân chính phủ Syria, ngày 20/6, liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu tiếp tục bắn rơi một máy bay không người lái của lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria. Các vụ tấn công này đã và đang khiến tình hình ở Syria có những diễn biến mới hết sức phức tạp.
Máy bay Mỹ xuất kích ở Syria. Nguồn: Internet. |
Chiến đấu cơ của Syria đã bị bắn hạ vì không kích một vị trí của lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn. Đây là lý do phía Mỹ đưa ra. Trong khi đó, Syria tuyên bố chiếc máy bay của mình đang làm nhiệm vụ tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Tranh cãi không thể đi đến hồi kết bởi từ trước tới nay cuộc xung đột luôn có sự chi phối của các bên liên quan, đứng đầu là Nga và Mỹ khi cả hai cường quốc này đều đã đưa ra những tuyên bố vô cùng cứng rắn.
Leo thang căng thẳng
Syria tuyên bố coi các hành động của Mỹ là “xâm lược công khai”, đồng thời cáo buộc Mỹ đang hợp tác với các lực lượng phiến quân chống chính phủ Syria. Trong khi đó, Nga cáo buộc liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu đồng lõa với khủng bố và là ý đồ thù địch của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Một mặt, Nga tuyên bố dừng hoạt động hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã ký giữa Bộ quốc phòng hai nước về Syria, mặt khác Nga tuyên bố sẽ đưa lực lượng không quân và máy bay không người lái của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu vào tầm ngắm của hệ thống phòng không Nga ở Syria và bất cứ vật thể bay nào của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu "cố tình" lạc sang Syria sẽ bị thẳng tay bắn hạ. Cùng với đó, Nga cũng triển khai một lực lượng lớn hải quân đưa tên lửa lên các tàu ngầm, sẵn sàng đánh phủ đầu, diệt mọi mục tiêu. Lo ngại cảnh báo của Moscow, Lầu Năm góc quyết định điều chuyển vị trí bố trí các máy bay chiến đấu của mình ở Syria để tránh máy bay của mình trở thành “mục tiêu” của hệ thống phòng không Nga. Đồng thời Washington cũng khẳng định các máy bay tiêm kích của Mỹ sẽ không từ bỏ nhiệm vụ tiếp tục trợ giúp phe đối lập Syria trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Trước những tuyên bố cứng rắn của các bên, ngày 20/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng những căng thẳng giữa Mỹ và Nga tại không phận Syria sẽ không dẫn tới sự leo thang một cuộc xung đột. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Guterres nhấn mạnh các bên phải có trách nhiệm hạ nhiệt bởi những vụ việc như trên có thể trở nên vô cùng nguy hiểm trong một cuộc xung đột mà vốn dĩ đã có rất nhiều bên liên quan và tình hình thực địa rất phức tạp.
Thông điệp rõ ràng
Kể từ khi Tổng thống D.Trumph lên nắm quyền, đây là lần thứ 4, Mỹ lựa chọn giải pháp tấn công quân sự. Điều này chỉ có thể được giải đáp rằng Mỹ chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình là “không ủng hộ một nước Syria dưới sự cầm quyền của al-Assad” và hành động bắn máy bay quân Chính phủ Syria để hậu thuẫn lực lượng đối lập vẫn luôn được Mỹ ủng hộ. Hay cũng có thể hiểu một cách gián tiếp Mỹ vẫn luôn theo đuổi mục tiêu để có một nền hòa bình ở đất nước này với điều kiện tiên quyết là “Assad phải ra đi.” Từ trước đến nay, Nga vẫn thể hiện một cách công khai sự ủng hộ đối với chế độ của ông al-Assad và với chiến dịch không kích kéo dài từ cuối năm 2015, vai trò của Nga đối với tiến trình ngừng bắn để đạt được hòa bình ở Syria không còn phải bàn cãi.
Nga và Mỹ cũng nhiều lần bắt tay hợp tác, tích cực tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài ở Syria, trong đó đáng chú ý là việc hai bên đã nhất trí thiết lập đường dây nóng trên không nhằm thông báo cho nhau về các hoạt động bay trên bầu trời Syria, tránh những xung đột không cần thiết. Thế nhưng, dư luận luôn đặt câu hỏi về tính hiệu quả của đường dây nóng này. Còn nhớ, đầu năm 2017, Mỹ đã bắn 59 quả Tomahawk vào một căn cứ quân sự của quân đội Chính phủ Syria vì lý do nước này “sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.” Theo phân tích của các chuyên gia quân sự, đường bay của các tên lửa từ tàu chiến đến mục tiêu, qua đúng vùng bao phủ của tên lửa phòng không Nga, nhưng lại không có bất cứ một chứng cứ nào cho thấy Nga nhận biết được các hành động này. Và đến vụ việc lần này, máy bay vẫn bắn hạ nhau trong khi chế độ thông báo giữa hai bên đã được thiết lập, gây hoài nghi trong dư luận về tính hiệu quả của sự hợp tác Nga-Mỹ trên không phận Syria.
Mặc dù tuyên bố cứng rắn nhưng các bên chắc chắn tránh leo thang căng thẳng trong bối cảnh một vòng đàm phán mới về hòa bình cho Syria sẽ diễn ra ở Astana, Kazakhstan ngày 10/7 tới. Sau rất nhiều vòng đàm phán, điều mà dư luận trông chờ hiện nay là Nga và Mỹ phải có cách tiếp cận mới, nên coi Chính phủ Syria phải là một trong các bên tham chiến cần ngồi vào bàn đàm phán, chứ không chỉ khăng khăng giữ quan điểm giúp một Chính phủ hợp hiến, một quốc gia có chủ quyền. Nếu không, con đường đi đến hòa bình cho đất nước Syria còn rất xa.