(VOV5) - Ngay sau khi có hành động hiếm hoi hạ nhiệt căng thẳng bằng việc di chuyển tên lửa tầm trung khỏi các bãi phóng ở bờ biển phía Đông, Bình Nhưỡng hôm qua lại có động thái mới khiến dư luận lo ngại. Đó là việc tiếp tục triển khai tên lửa Scud và Rodong, đặt trên các bệ phóng di động ở bờ biển phía Đông nước này. Cùng với quyết định công khai trừng phạt của đồng minh láng giềng Trung Quốc thông qua việc đóng cửa và đình chỉ mọi giao dịch tài chính giữa Ngân hàng Trung Quốc với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên, bán đảo Triều Tiên đang có những diễn biến khó lường.
|
Khu công nghiệp Kaesong nhìn từ một tháp quan sát tại Paju, Hàn Quốc (Ảnh: AFP) |
Ngày 7/5, hầu hết các phương tiện truyền thông thế giới đều đồng loạt loan tin việc Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) quyết định đóng và đình chỉ mọi giao dịch tài chính với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên. Ngay lập tức, Washington đã bày tỏ sự đồng tình với quyết định đầu tiên và "có ý nghĩa" này của Bắc Kinh. Phát biểu với các phóng viên ngày 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nêu rõ Mỹ hoanh nghênh những bước đi của cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, về việc triển khai đầy đủ những biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Tờ Thời báo Los Angeles của Mỹ còn nhận định, hành động này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng thất vọng với Bình Nhưỡng. Còn theo chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại Trường đảng Trung ương Trung Quốc thì đây là một hành động đáng làm và Bắc Kinh đã có những cân nhắc kỹ về mặt chính trị và lợi ích...
Dư luận cho rằng, động thái vừa qua là tín hiệu mới nhất về sự không hài lòng của Bắc Kinh đối với đồng minh đang bị cô lập của mình. Nguy hiểm hơn, động thái này của Trung Quốc có thể mở đường cho việc các ngân hàng khác trong khu vực cũng có thể cân nhắc xem xét lại mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Nếu vậy, khó khăn sẽ chất chồng đối với chính quyền Bình Nhưỡng. Bởi hiện tại, theo nhân định của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), CHDCND Triều Tiên đang tiếp tục đối mặt với tình cảnh thiếu hụt lương thực, 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng kinh niên hoặc quá thấp còi so với độ tuổi của mình. Sản xuất công nghiệp của CHDCND Triều Tiên hiện chỉ đạt khoảng 30% sản lượng của năm 1992. Trong khi đó, việc kiên quyết "sở hữu vũ khí hạt nhân" của Bình Nhưỡng đã và đang tiếp tục nhận được những phản ứng gay gắt của giới chức phương Tây. Bằng chứng là trong cuộc gặp giữa Tổng thổng Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Hàn Quốc Park Gyun Hye, ngày 7/5 tại Nhà Trắng, hai bên đã cam kết không nhượng bộ CHDCND Triều Tiên sau nhiều tháng căng thẳng cao độ, đồng thời khẳng định rằng gánh nặng chấm dứt cuộc khủng hoảng này đang đặt trên vai Bình Nhưỡng. Mặc dù chìa bàn tay hữu nghị khi đề xuất xây dựng một công viên quốc tế tại khu vực biên giới giữa Hàn Quốc với CHDCND Triều Tiên, đồng thời để ngỏ cánh cửa đàm phán nếu nhà lãnh đạo Kim Jong Un quyết định đi theo "lộ trình hòa bình", nhưng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye vẫn khảng khái nhấn mạnh lập trường Seoul rằng sẽ buộc Bình Nhưỡng phải “trả giá” nếu tấn công Hàn Quốc. Tuyên bố này được đưa ra khi trước đó vài giờ, quân đội CHDCND Triều Tiên đưa ra lời đe dọa mới, theo đó Bình Nhưỡng thề biến các đảo ở biên giới thành "biển lửa" nếu chỉ một quả đạn pháo rơi vào nước này trong lúc Mỹ-Hàn tập trận chung (kết thúc vào ngày 10/5 tới). Trước đó, CHDCND Triều Tiên đã xem cuộc tập trận định kỳ giữa Mỹ và Hàn Quốc, diễn ra trong 5 ngày, với sự tham gia của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles, cùng các tàu khu trục lớp Aegis và máy bay do thám P-3C, được triển khai từ các căn cứ của Mỹ, là hành động thù địch và khiêu khích quân sự.
Rõ ràng, bán đảo Triều Tiên vẫn "căng như dây đàn" khiến dư luận lo ngại chỉ một va chạm nhỏ cũng có thể dẫn đến xung đột. Ngày 8/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã nhấn mạnh bất đồng trong quan hệ liên Triều chỉ có thể giải quyết thông qua xây dựng lòng tin và đối thoại. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới khẳng định sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực giảm căng thẳng và xây dựng hòa bình cũng như ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Hiện tại, khả năng xung đột trên bán đảo Triều Tiên được các chuyên gia nhìn nhậu là khó xảy ra, khi mà chính quyền Bình Nhưỡng đã chuyển sang đề cập tới các điều kiện để nối lại đàm phán. Một trong những điều kiện mà CHDCND Triều Tiên đưa ra lần này, mà về thực chất là không có gì mới, đó là yêu cầu Liên hợp quốc bãi bỏ lệnh trừng phạt; Mỹ phải rút hết các loại vũ khí tiến công chiến lược mà nước này bố trí gần bán đảo Triều Tiên... Thế nhưng, xem ra điều này không dễ thực hiện bởi hiện nay. Trong khi Bình Nhưỡng mong muốn thể hiện khả năng là quốc gia có tiềm lực hạt nhân thì Mỹ lại đưa ra điều kiện tiên quyết cho việc nối lại đàm phán là nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Chính sự dằng dai đó đã và đang đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên liên tục gặp nhiều trở ngại, khó đoán định trong những ngày tới./.