Hội nghị thượng đỉnh NATO: sự thay đổi về chiến lược an ninh

(VOV5)- Ngày 8 - 9/7, Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra tại Warsaw (Ba Lan) với sự tham dự của lãnh đạo 28 nước thành viên. Tại Hội nghị này, mục tiêu trọng tâm của NATO là sẽ đưa ra những quyết định quan trọng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của liên minh đồng thời thúc đẩy sự ổn định bên ngoài biên giới NATO. 

Hội nghị thượng đỉnh NATO: sự thay đổi về chiến lược an ninh  - ảnh 1
ội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn)


Với 28 quốc gia thành viên, trong đó có 6 nước nằm trong nhóm các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới (G-7), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là liên minh quân sự lớn nhất toàn cầu hiện nay.

Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh gần nhất của liên minh, diễn ra vào tháng 9/2014 ở xứ Wales, NATO đã triển khai kế hoạch tăng cường phòng thủ tập thể lớn nhất từ sau chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên xem ra kế hoạch này là chưa đủ để NATO yên tâm do đó lãnh đạo liên minh quân sự lớn nhất toàn cầu hy vọng các nước thành viên sẽ nhanh chóng thông qua những kế hoạch an ninh mới tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Kế hoạch an ninh mới
Nhận định trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng NATO hiện đã cơ động hơn, mạnh hơn và sẵn sàng chiến đấu hơn, song vẫn cần triển khai các bước tiếp theo, trong đó có việc tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự ở phần biên giới phía Đông của NATO.

Hội nghị thượng đỉnh NATO: sự thay đổi về chiến lược an ninh  - ảnh 2
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)



Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), ngày 4/7 vừa qua, ông Stoltenberg cho biết NATO dự kiến sẽ triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan. Quân số mỗi tiểu đoàn khoảng 1 nghìn người. Liên minh quân sự này cũng sẽ tăng cường hiện diện tại phía Đông Nam châu Âu thông qua việc bổ sung một lữ đoàn đa quốc gia tại Romania và tăng cường an ninh mạng, củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như phòng thủ trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Kế hoạch an ninh mới mà các nước thành viên NATO bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh lần này đã được Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO thảo luận tại hội nghị cấp Bộ trưởng diễn ra 2 tháng trước, ở Brussels (Bỉ). Tại đây, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO khẳng định sự thay đổi về chiến lược của NATO, từ bỏ dần các hoạt động quân sự bên ngoài, để tập trung củng cố địa bàn Đông Âu. Biểu hiện rõ nhất là NATO hiện đã rút chân ra khỏi hầu hết các địa bàn bên ngoài như Kosovo, Libya, Afghanistan để tập trung sức mạnh, bảo vệ lãnh thổ các quốc gia thành viên. Ngay với cuộc chiến chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan, NATO cũng không tham gia mà chỉ hỗ trợ từ xa. Ưu tiên của NATO lúc này là các nước thành viên ở Đông Âu, không phận biển Baltic, biển Barent và biển Đen, trong đó địa bàn quan trọng nhất là Ba Lan. Một số cuộc tập trận của NATO diễn ra tại Ba Lan vừa qua cũng là nhằm thử nghiệm khả năng di chuyển quân và khí tài quân sự, xây dựng một quân cảng của Ba Lan trên bờ biển Baltic thành căn cứ chỉ huy đa quốc gia lớn nhất của NATO tại Đông Âu.


Những vấn đề liên quan đến chiến lược an ninh

Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này diễn ra trong bối cảnh Anh, 1 thành viên tích cực trong NATO, quyết định rời Liên minh châu Âu. Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Anh David Cameron chắc chắn vẫn sẽ muốn chứng minh Anh vẫn là một cường quốc “hào phóng” bởi họ đã quyết định nhận một phần gánh nặng của quốc phòng châu Âu. Tuy nhiên cuộc bỏ phiếu của cử tri Anh với quyết định rời EU vừa qua sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì chi tiêu cho quốc phòng của NATO. Một thành viên khác là Mỹ cũng đang giảm bớt những cam kết với an ninh nội khối. Sự nổi lên của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump cũng làm dấy lên những lo ngại về chủ nghĩa cô lập “manh nha” của Mỹ. Điều đáng chú ý nữa là nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của phương Tây tham gia cuộc họp ở Warsaw đang chuẩn bị mãn nhiệm, trong số đó có Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barak Obama. Trong khi đó, vị thế của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel còn phụ thuộc vào các cuộc bầu cử năm 2017.

Đó là chưa kể đến việc các nước thành viên NATO cũng dè chừng phản ứng gay gắt từ Nga trước sự chuyển hướng an ninh của liên minh quân sự này. Trước đó, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã triển khai các tên lửa, xe tăng và các binh sĩ đến Kaliningrad,vùng lãnh thổ của Nga giáp với Ba Lan và Lithuania. Các nước NATO cũng đang lo ngại Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân tầm ngắn ở Kalingrad sau khi Hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw kết thúc. Mới đây nhất khi đề cập học thuyết chính sách đối ngoại mới của Nga (ngày 30/6), Tổng thống Nga Putin đã đặc biệt nhấn mạnh tới sự hiện diện của NATO sát biên giới Nga khi nói NATO hiện đang cố gắng đi theo hướng chống Nga. Liên minh quân sự này đang đưa mối quan hệ với Nga lên mức đối đầu thực sự. 

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong 2 ngày tới có thể sẽ nhất trí triển khai kế hoạch an ninh mới. Tuy nhiên triển khai ở mức độ nào, trong thời gian bao lâu để tránh gia tăng khả năng đối đầu quân sự với Nga cũng như không tạo thêm căng thẳng ở châu Âu là điều mà lãnh đạo 28 quốc gia thành viên NATO chắc chắn sẽ phải cân nhắc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác