IPU-132 biến những mục tiêu phát triển bền vững thành hiện thực

(VOV5) - Kết quả của IPU-132 cũng là cơ sở để Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét, thảo luận và quyết định cho việc xây dựng mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.


Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”, Đại hội đồng IPU-132 do Việt Nam đăng cai tổ chức từ 28/3 đến 1/4, được trông đợi sẽ là diễn đàn quan trọng giúp tăng cường tiếng nói của nghị viện trong thực hiện các mục tiêu phát triển quốc tế. Kết quả của IPU-132 cũng là cơ sở để Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét, thảo luận và quyết định cho việc xây dựng mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Bài viết của phóng viên Ánh Huyền “IPU-132 biến những mục tiêu phát triển bền vững thành hiện thực”.


Được thành lập từ năm 1889, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là một tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các Quốc gia có chủ quyền. mục tiêu tôn chỉ của IPU là hòa bình cho nhân loại, bình đẳng, bác ái, tôn trọng quyền con người, bảo vệ quyền con người, quyền dân tộc, quyền tự do và quyền được hưởng hạnh phúc. Với 166 thành viên và 10 thành viên liên kết, IPU ngày nay là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, dân chủ hợp tác giữa các dân tộc và Nghị viện các nước.


Việt Nam nêu cao ngọn cờ đoàn kết, hòa bình


 Mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của IPU hoàn toàn phù hợp với mong muốn và đường lối phát triển của Việt Nam. Vì vậy, đăng cai tổ chức IPU-132 trong thời điểm IPU đang thúc đẩy chương trình hành động của mình cho phù hợp với các chương trình hành động mà Liên hợp quốc đề ra trong 15 năm tới, Việt Nam đã dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc thúc đẩy dân chủ, hòa bình và phát triển trên thế giới. Điều này được Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Muốn thế giới đoàn kết, muốn thế giới hòa bình, muốn thế giới hợp tác để cùng chia sẻ, thúc đẩy cuộc sống ấm no hạnh phúc thì đầu tiên phải tôn trọng quyền con người, quyền quốc gia, đoàn kết trên tinh thần tin cậy lẫn nhau thì mới có một sức mạnh đoàn kết vĩ đại mang tính toàn cầu, góp phần thúc đẩy tất cả sự hợp tác đi đến thành công.


IPU-132 biến những mục tiêu phát triển bền vững thành hiện thực - ảnh 1


 
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hiện nay, các nghị viện ngày càng có vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia trong việc phân bổ nguồn lực, quyết định ngân sách nhà nước, tạo mọi cơ chế chính sách bằng luật pháp để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, cần có sự thống nhất, phối hợp hành động giữa nghị viện các nước để mục tiêu phát triển bền vững trở thành hiện thực. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Việt Nam đặc biệt quan tâm không chỉ đưa ra chỉ tiêu của chương trình phát triển bền vững mà quan trọng là biến lời nói, chương trình đó, nghị quyết đó thành hành động trong cơ chế nghị viện chung quốc tế. Lần này IPU-132 bàn tới mục tiêu thiên niên kỷ cho 15 năm tới, IPU lần này là phải làm thế nào để thực hiện chương trình hành động đó.


Tạo niềm tin mạnh mẽ


Trong hơn 30 năm đổi mới và tiến hành hội nhập, Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình. Đây là bước chuyển quan trọng trên con đường hội nhập của Việt Nam. 36 năm kể từ khi gia nhập IPU, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này. Việt Nam nhiều lần nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong IPU, trong Ban chấp hành, cơ quan lãnh đạo cao nhất của IPU.


IPU-132 biến những mục tiêu phát triển bền vững thành hiện thực - ảnh 2
Các đại biểu cắt băng khai trương trung tâm báo chí - Ảnh: TTXVN


 Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ. Những thành tựu của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hiện, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia đang phát triển ở Châu Á có tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội cao nhất. Các nữ đại biểu của Quốc hội Việt Nam ngày càng tích cực tham gia vào Hội nghị nữ nghị sĩ của IPU. Bên cạnh đó, với thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới, Việt Nam cũng đưa vào hoạt động của Quốc hội những đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm với nghị viện các nước. Điều này làm cho hoạt động của Quốc hội Việt Nam với Liên minh Nghị viện thế giới ngày càng gắn kết. Tổng thư ký IPU Martin Chungong cho biết: Nói về quan hệ IPU với Việt Nam có thể khẳng định hợp tác đã phát triển không ngừng. Không phải lần này đến Việt Nam mà từ nhiều năm qua tôi đã biết về nhiều dự án của Quốc hội Việt Nam. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Quốc hội Việt Nam được xem là đi đầu trong việc chuyển tải hệ thống lưu trữ văn bản luật lên trang web. Sáng kiến sử dụng thông tin của Quốc hội Việt Nam là bài học tốt cho quốc hội các nước. Vì vậy đến với IPU-132, các nước có thể học hỏi được kinh nghiệm từ Việt Nam.


Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong IPU thời gian qua, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới, cùng kế hoạch tổ chức IPU-132 với những nội dung thiết thực, phù hợp là những cơ sở để bạn bè quốc tế tin tưởng vào sự thành công của IPU-132 tại Việt Nam./.



Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác