(VOV5) - Bất ổn và bạo lực đang xảy ra là thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Adel Abdel Mahdi kể từ ông nhậm chức cách đây 1 năm.
Đất nước Iraq lại đang trải qua những ngày bất ổn khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ ngày càng lan rộng, biến thành các cuộc bạo lực nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong. Đây là thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi kể từ lúc ông nắm quyền. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ Iraq lúc này là duy trì ổn định chính trị trong nước bởi bất kỳ sự cải cách thiếu thận trọng nào cũng có thể đẩy Iraq vào tình trạng bất ổn hơn nữa.
14 người thiệt mạng, 865 người bị thương chỉ riêng trong ngày 28/10, ngày biểu tình thứ 4 liên tiếp, sau khi các lực lượng an ninh Iraq dùng vũ lực để giải tán đám đông biểu tình ở thành phố Kerbala, nơi có đa số người Hồi giáo dòng Shi'ite sinh sống. Đây là làn sóng biểu tình thứ hai phản đối chính sách của Chính phủ Iraq chỉ trong một tháng vừa qua. Tổng cộng trong tháng 10 này, đã có ít nhất 250 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị bắt khi tham gia biểu tình.
Hình ảnh đền thờ Hồi giáo al-Nuri ở khu phố cổ Mosul bị phá nát ngày 4-7-2017 - Ảnh: AP./TTXVN |
Tái thiết và hòa giải
Các cuộc biểu tình bùng phát ở Baghdad từ ngày 1/10 xuất phát từ những lời kêu gọi trên mạng xã hội, nhằm yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Adel Abdel Mahdi từ chức, phản đối điều kiện sống khó khăn, thiếu điện và nước, tình trạng thất nghiệp, nạn tham nhũng và khả năng quản lý kém của các nhà lãnh đạo. Biểu tình nhanh chóng lan ra những thành phố ở phía nam, nơi có người Hồi giáo Shiite sinh sống và chuyển sang bạo lực khiến chính phủ phải ban bố lệnh giới nghiêm, triển khai lực lượng an ninh và cắt mạng internet ở 75% trên toàn quốc gia.
Bất ổn và bạo lực đang xảy ra là thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Adel Abdel Mahdi kể từ ông nhậm chức cách đây 1 năm, đồng thời là thách thức lớn nhất về an ninh đối với Iraq sau khi quốc gia Trung Đông này tuyên bố đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào năm 2017.
Sau khi đánh bại IS, những tưởng Iraq sẽ bước vào thời kỳ tái thiết và hòa giải. Tuy nhiên, con đường này không hề dễ dàng. Ước tính, việc xây dựng lại Iraq bị chiến tranh tàn phá đòi hỏi tiêu tốn hàng tỷ USD, gánh nặng tài chính mà quốc gia này dường như không thể gánh vác. Chưa kể, tình trạng tham nhũng ở quốc gia này đã lên mức đáng báo động. Mặc dù là quốc gia có nguồn tài nguyên dầu mỏ và doanh thu hằng tháng từ dầu mỏ là hơn 6 tỷ USD nhưng Tổ chức Minh bạch quốc tế mới đây đã xếp Iraq đứng ở vị trí thứ 12 trong số những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Tình trạng thiếu điện, nước xảy ra thường xuyên ở một số thành phố và tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên Iraq hiện là 25%, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB)
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là vấn đề chính. So với tái thiết đất nước, vấn đề hòa giải, chia sẻ và cân bằng quyền lực giữa các phe phái và các nhóm tôn giáo ở Iraq mới là điều đáng lo ngại. Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa chính phủ trung ương, người Kurd, người Sunni và Shiite ở Iraq chưa bao giờ chấm dứt căng thẳng.
Nỗ lực ổn định tình hình đất nước
Trước làn sóng biểu tỉnh căng thẳng, Chính phủ của Thủ tướng Mahdi đã công bố hàng loạt cải cách nhằm tạo ra việc làm, phân chia đất đai, gia tăng phúc lợi xã hội và sa thải các quan chức tham nhũng. Bên cạnh đó, ông Mahdi cam kết gia tăng nhà ở cho người nghèo, trợ cấp cho người thất nghiệp, các sáng kiến cho vay dành cho thanh niên, cam kết đối thoại những người biểu tình ở bất kỳ nơi đâu mà không có sự tham gia của lực lượng vũ trang, lắng nghe yêu cầu của dân chúng. Hôm 24/10 vừa qua, ông Mahdi đệ trình lên Quốc hội một số dự luật về sửa đổi hiến pháp và dự thảo ngân sách năm 2020 cùng một số dự luật cơ bản khác nhằm bảo đảm sự vận hành đúng quỹ đạo của nhà nước.
Sau nhiều năm bị tàn phá bởi chiến tranh và tổn thất trong cuộc chiến chống IS, công cuộc tái thiết ở Iraq phải mất rất nhiều năm và tiêu tốn nhiều tiền của để xây dựng lại. Một đất nước Iraq thời hậu IS vẫn ngổn ngang. Chính phủ Iraq vừa phải xóa bỏ những tàn dư của IS vừa phải ngăn chặn nguy cơ tổ chức khủng bố này quay trở lại, cũng như lo xây dựng cuộc sống mới cho người dân, trong bối cảnh chưa hết những chia rẽ, hận thù sắc tộc, tôn giáo ngấm ngầm trong lòng xã hội. Trong bối cảnh đó, xây dựng một đất nước Iraq thống nhất, dân chủ, trong đó mọi công dân đều có thể hưởng đầy đủ các quyền của mình trong sự thịnh vượng là một chặng đường đầy thách thức, gian nan. Vì vậy, hơn lúc nào hết, ưu tiên hàng đầu của chính phủ Iraq lúc này là duy trì ổn định chính trị trong nước bởi bất kỳ sự cải cách thiếu thận trọng nào cũng có thể đẩy Iraq vào tình trạng bất ổn ngoài tầm kiểm soát.