Khủng hoảng di cư: Gam màu tối trong bức tranh thế giới 2016

(VOV5) - Năm 2016, dù có nhiều giải pháp để đối phó với dòng người di cư nhưng các quốc gia châu Âu vẫn chưa có lời giải chung. Mặc dù trong thực tế số lượng người di cư vượt biển vào Liên minh Châu Âu (EU) trong năm 2016 đã giảm so với năm 2015, nhưng diễn biến của cuộc khủng hoảng nhập cư lại xuất hiện những xu hướng nguy hiểm, đáng lo ngại. 


Khủng hoảng di cư: Gam màu tối trong bức tranh thế giới 2016 - ảnh 1
Người tị nạn ở châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù áp dụng rất nhiều biện pháp như siết chặt kiểm soát biên giới, thành lập các đội tuần tra hải quân để đối phó với những kẻ buôn người, đàm phán một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người di cư, đóng cửa tuyến đường Balkan, tuyến đường di cư chính vào châu Âu, đẩy nhanh việc trục xuất những người bị bác đơn xin tị nạn...., song vấn nạn người di cư năm 2016 vẫn khiến các nhà lãnh đạo Châu Âu đau đầu và cho đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải.

Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về người tị nạn diễn ra hồi tháng 9, trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận khủng hoảng người tị nạn toàn cầu là một trong những 'thách thức cấp bách nhất hiện nay'”. Tuy nhiên, các cam kết mà lãnh đạo các nước lại chưa tương xứng với thách thức này. Trong khi đó, những nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng người nhập cư ngày càng đẩy Châu Âu vào vòng xoáy bất ổn, khó lường.

Những diễn biến nguy hiểm từ cuộc khủng hoảng người nhập cư

Theo thống kê, số lượng người di cư vượt biển vào châu Âu năm 2016 đã giảm hơn so với năm 2015, nhưng số người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trong năm 2016 đã tăng lên mức kỷ lục 5.000 người, tăng gần 25% so với năm 2015. Do chiến dịch truy quét và phá hủy tàu thuyền của các tổ chức buôn người cũng như hoạt động tuần tra thường xuyên các tuyến đường biển của châu Âu nên những người di cư vượt biển vào châu Âu phải đối mặt với các tuyến đường biển cũng như trên các tàu buôn lậu nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ em đi một mình đang tăng lên, dẫn tới thực trạng một số lượng lớn trẻ em rơi vào tay những kẻ buôn bán trẻ em.

Khủng hoảng vẫn tiếp diễn ở các khu vực lân cận châu Âu với người tị nạn từ Syria, Afghanistan và Iraq vẫn chiếm gần 90%. Trong khi Syria vẫn đối mặt với cuộc xung đột trên diện rộng thì xung đột ở Afghanistan và Iraq cũng có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Điều này đe dọa làn sóng người tị nạn tiếp tục đổ vào châu Âu thời gian tới. Chưa kể, những bóng ma khủng bố trà trộn trong đám người nhập cư đã gây ra bao tổn thất cho các nước thành viên EU trong năm 2016.

Khủng hoảng di cư: Gam màu tối trong bức tranh thế giới 2016 - ảnh 2
Một gia đình người di cư đang tá túc ở một sân bay bỏ hoang tại Hy Lạp. Ảnh: ibtimes


Chưa thống nhất hành động

Giữa lúc cuộc khủng hoảng người nhập cư đang đe dọa sự ổn định của Châu Âu thì các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục tranh cãi về việc liệu quốc gia họ có sẵn sàng hay làm thế nào để san sẻ gánh nặng “cưu mang” người di cư. Tại Hội nghị các bộ trưởng nội vụ Châu Âu diễn ra cuối tháng 11 vừa qua ở Bỉ, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thừa nhận EU đang bị chia rẽ nghiêm trọng và còn quá nhiều bất đồng trong vấn đề này. Từ năm 2015, các nước EU đã thống nhất mỗi nước thành viên phải tiếp nhận một số lượng nhất định người xin tị nạn, tuy nhiên cho đến nay dù trải qua bao cuộc đàm phán nhưng các bên vẫn chưa tìm được sự thống nhất chung. Trong khi các nước Tây Âu ủng hộ quan điểm về "sự thống nhất linh hoạt", sẵn sàng mở cửa tiếp nhận người nhập cư, thì các nước thành viên Đông Âu lại một mực phản đối hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Thay vào đó, họ chỉ chấp thuận đóng góp về mặt tài chính hoặc các hình thức hỗ trợ khác. Hai quốc gia Trung Âu là Hungary và Slovakia còn khiếu nại lên Tòa án Công lý châu Âu để phản đối kế hoạch chia sẻ tiếp nhận người tị nạn của EU. Cho đến nay, EU vẫn đang nỗ lực để thực thi thỏa thuận đạt được trong việc phân bổ tới các nước thành viên 160.000 người xin tị nạn, chủ yếu là người Syria, Iraq và Eritrea, tạm trú ở Italy và Hy Lạp. Trong báo cáo gần đây, Tổ chức Ân xá quốc tế ước tính chỉ có 6% trong tổng số 66 nghìn người đến Hy Lạp năm 2015 được tái định cư tại các nước thành viên EU. Số còn lại đang phải sống trong các trung tâm tiếp nhận quá tải và chờ quyết định chính thức đối với đơn xin tị nạn. Các nước thành viên EU dường như không có động thái nào nhằm giải quyết thực trạng trên. Chính thái độ phó mặc của các nước thành viên EU khiến việc giải quyết khủng hoảng di cư đi vào bế tắc.

Chỉ còn 2 ngày nữa, thế giới sẽ bước sang năm mới 2017. Châu Âu đón năm mới trong ngổn ngang những mối lo. Một Châu Âu ngày càng chia rẽ, bạo lực và bất ổn. Cuộc khủng hoảng người nhập cư đã và sẽ tiếp tục tạo ra bức tranh u ám cho an ninh thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác