(VOV5) - Trong khi châu Âu chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để giải quyết khủng hoảng di cư thì báo cáo mới đây của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết ít nhất 700 người di cư đã thiệt mạng và nhiều người mất tích trên biển Địa Trung Hải trong vài ngày qua. Thảm họa này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thiếu vắng các giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN) |
Những người di cư đến châu Âu lần này chủ yếu là từ các nước châu Phi. Họ không được phát áo phao và bị nhồi nhét trên các con tàu không có động cơ, chỉ chạy bằng sức kéo của tàu buôn lớn. Tuy nhiên họ vẫn bất chấp mọi nguy hiểm để tìm đường đến châu Âu.
Tăng mạnh số người tử vong
Việc chặn tuyến đường tới Hy Lạp sau Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc người di cư phải lựa chọn tuyến đường từ Libya tới Italy, dài hơn và nguy hiểm hơn. Thời tiết thuận lợi là điều kiện lý tưởng để tàu thuyền chở người di cư khởi hành gần như cùng một lúc. Điều này vô hình chung gây áp lực nặng nề cho lực lượng cứu trợ khi có sự cố xảy ra. Theo thống kê, các vụ chìm tàu chở người di cư sang châu Âu trong những ngày qua đã đưa số người thiệt mạng từ đầu năm đến nay lên hơn 2.500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) bày tỏ lo ngại về thực trạng này. UNICEF còn cảnh báo tình trạng này có thể gia tăng do đầu mùa hè đã xảy ra nhiều vụ vượt biên hơn ở Địa Trung Hải, nhất là vùng biển giữa Libya và Italy. Trong báo cáo công bố ngày 29/5, UNICEF cho biết tổ chức này sẽ sớm phối hợp với Chính phủ Italy và các đối tác quốc tế về tăng cường những hoạt động nhân đạo, nhất là công tác tuyên truyền và cung cấp thiết bị cứu sinh cần thiết.
Những khoảng tối đằng sau nạn di cư
Việc các nước Liên minh châu Âu (EU) chưa tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng di cư đang tạo ra cơ hội vàng để các tổ chức khủng bố và tội phạm đục nước béo cò. Làn sóng di cư tăng mạnh là điều kiện thuận lợi để dịch vụ đưa người tị nạn tới châu Âu gia tăng. Năm 2015, 90% số người tị nạn đến châu Âu đã phải thông qua các đường dây tội phạm và phí cho mỗi chuyến vượt biên có giá khoảng 3.200 đến 6.500 USD. Theo con số thống kê chưa đầy đủ dịch vụ này giúp các tổ chức tội phạm bỏ túi tới 5 tỷ USD trong năm 2015. Dự báo của Europol cho thấy năm 2016, số lượng người di cư còn cao hơn năm 2015. Riêng tại Libya, hiện có khoảng 800.000 người tị nạn đang chờ cơ hội để vượt biển sang EU, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.
Việc các tổ chức tội phạm mặc sức hoành hành trong việc tổ chức dịch vụ vượt biên khiến cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu thêm trầm trọng và làm gia tăng các thảm họa nhân đạo. Ngoài ra nó cũng đặt EU trước các thách thức an ninh, chính trị rất lớn, nhất là mối nguy về khủng bố.
Loay hoay tìm giải pháp
Hiện tượng người di cư tiếp tục tìm đường tới châu Âu là minh chứng cho thấy thời gian qua, các nhà lãnh đạo châu Âu chưa chú trọng giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này. Các nước Châu Âu hiện nay đang rất lúng túng và chưa có những biện pháp đủ mạnh, đủ hữu hiệu để có những điều phối chung trên toàn khu vực để giải quyết triệt để vấn đề di cư. Cách giải quyết của Châu Âu hiện nay chủ yếu theo kiểu là xử lý theo tình huống, ngăn chặn từ xa bằng những biện pháp như đưa lực lượng đặc nhiệm vào Syria và Libya song chưa đủ mạnh.
Trong bối cảnh đó, dư luận dấy lên lo ngại việc thỏa thuận về người di cư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được cuối tháng 3/2016 có nguy cơ đổ vỡ khi những ngày gần đây, lãnh đạo hai bên liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn về vấn đề miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, điểm quan trọng trong thỏa thuận giữa hai bên. Cố vấn kinh tế của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Yigit Bulut nhấn mạnh Ankara có thể sẽ ngừng tất cả thỏa thuận với EU nếu khối này không giữ lời hứa về việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Schengen, đẩy EU đứng trước kịch bản phải một mình xoay xở với dòng người di cư khổng lồ mà không có sự trợ giúp từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, phía EU vẫn kiên quyết yêu cầu quốc gia này phải sửa đổi luật chống khủng bố, một trong năm điều khoản quan trọng mà hai bên cam kết thực hiện trước khi công dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể được miễn thị thực vào EU. Khi thỏa thuận di cư ngày càng trở nên mong manh, EU cũng đã tính đến phương án để Hy Lạp trở thành trung tâm tiếp nhận người tị nạn và EU sẽ chuyển khoản tín dụng đã cam kết cho Thổ Nhĩ Kỳ sang cho Hy Lạp. Tuy nhiên hiện tại Hy Lạp cũng đang khó khăn khi phải đối mặt với nợ công tăng cao, nền kinh tế đình đốn.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng chìa khóa để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng di cư hiện nay nằm ở việc ổn định tình hình các nước ở Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là những nước bị nội chiến và bị tác động mạnh của cuộc khủng hoảng Mùa xuân Arab như Iraq, Syria, Libya, Yemen hay Ai Cập. Đã đến lúc Châu Âu và thế giới cần phải có hành động ở tầm toàn cầu để giúp các nước trong khu vực này vực dậy mạnh mẽ hơn, có năng lực mạnh mẽ hơn để ổn định tình hình kinh tế, xã hội.
Mặc dù nỗ lực rất nhiều nhưng xem ra, đến nay, dường như châu Âu vẫn chưa tìm được một phương pháp tổng thể hiệu quả, một giải pháp căn bản nào cho vấn đề người di cư. Các biện pháp được đưa ra vẫn chỉ mang tính tạm thời và đối phó. Và như vậy, trong thời gian tới, về ngắn hạn, Châu Âu vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với những áp lực rất lớn liên quan đến vấn đề người di cư.