(VOV5) - Đúng như cảnh báo của các nhà phân tích chính trị đưa ra trước đó, bất kỳ phán quyết nào khiến nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ bỏ quyền lực sẽ châm ngòi nổ cho căng thẳng và bất ổn chính trị leo thang tại Thái Lan. Thực tế những ngày gần đây ở Thái Lan đã cho thấy điều này. Bạo lực bùng phát đang khiến chính trường Thái Lan chao đảo, đe dọa phá hỏng cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 20/7 tới.
|
Quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa bình yên. (Ảnh: AP) |
Bùng phát xung đột
Trong một động thái được cho là “gia tăng căng thẳng”, Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm qua đã phê chuẩn lệnh bắt giữ thêm 30 lãnh đạo của lực lượng biểu tình chống chính phủ hay còn gọi là Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) vì những cáo buộc kích động dân chúng nổi loạn. Ngay lập tức, thủ lĩnh của PDRC Suthep Thaugsuban tuyên bố trong ngày hôm nay, nếu như Thượng viện Thái Lan không bổ nhiệm một chính phủ lâm thời thay thế chính quyền hiện tại thì lực lượng này sẽ “giành quyền lực” và lập “hội đồng nhân dân” để điều hành đất nước.
Trước đó, hàng trăm người biểu tình đã bao vây một căn cứ không quân nơi quyền thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan nhóm họp, khiến ông phải tạm rời cuộc họp. Một vụ tấn công bằng súng và lựu đạn cũng đã xảy ra giữa lực lượng ủng hộ và phản đối chính phủ khiến 3 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Trước tình hình này, Tổng thư ký Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) Puchong Nutrawong kêu gọi hoãn cuộc tổng tuyển cử ngày 20/7 tới.
Bất đồng và chia rẽ
Mấu chốt vấn đề là trong khi chính phủ tạm quyền tuyên bố một cuộc tổng tuyển cử sẽ là cách tốt nhất để hóa giải khủng hoảng, tránh nguy cơ nội chiến thì lực lượng biểu tình chống chính phủ hay còn gọi là Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban dẫn đầu, lại kiên quyết yêu cầu phải cách chức toàn bộ chính phủ đương nhiệm, cho rằng chính quyền của đảng Puea Thai (Vì nước Thái) đã mất tính hợp pháp và đòi bổ nhiệm một thủ tướng không qua bầu cử.
Mặc dù thừa nhận việc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm là bước thắng lợi đầu tiên trong kế hoạch loại bỏ hoàn toàn cái gọi là “chế độ Thaksin” trên chính trường Thái Lan, song đối với lực lượng biểu tình phản đối chính phủ vẫn là chưa đủ, do đảng Vì nước Thái của bà Yingluck Shinawatra hiện vẫn điều hành chính phủ lâm thời và tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức bầu cử vào ngày 20/7 tới.
Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ cáo buộc hiện có một âm mưu với sự tham gia của lực lượng chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban cầm đầu cùng một số chính đảng và tổ chức độc lập với mục tiêu xóa bỏ thể chế dân chủ, chống phá đến cùng cuộc bầu cử. Đảng Vì nước Thái tố cáo phương thức mà lực lượng này tiến hành từ nhiều năm nay là dùng mọi thủ đoạn để giải tán các chính đảng trước đây như đảng Người Thái yêu người Thái, đảng Sức mạnh Nhân Dân và hiện nay là đảng Vì nước Thái với trọng tâm nhằm vào các Thủ tướng của 3 đảng này. Mục tiêu cuối cùng là ngăn cản các cuộc bầu cử dự kiến nhằm tìm cơ hội để hình thành một Thủ tướng không qua bầu cử.
Những cáo buộc của Đảng Vì nước Thái cũng nhận được sự ủng hộ của Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD hay còn gọi là những người Áo Đỏ), đồng minh truyền thống gần 10 năm qua của ông Thaksin. Ngay sau khi nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị bãi nhiệm, lực lượng này đã tuyên bố bất tuân tòa án và đổ về Bangkok chống đối. Đáng lo ngại hơn là một số tổ chức xã hội tại miền Đông Bắc, nơi được mệnh danh là “ căn cứ địa” của Áo Đỏ cũng tỏ thái độ cứng rắn và đe dọa đưa lực lượng về Bangkok để tiến hành trận chiến cuối cùng.
Khủng hoảng mới, kịch bản cũ
Một cuộc tổng tuyển cử, cho dù tổ chức vào ngày 20/7 tới hay tại thời điểm nào đi chăng nữa, cũng khó có thể diễn ra khi lực lượng biểu tình chống chính phủ đã từng tuyên bố sẽ ngăn cản bất cứ cuộc bầu cử nào. Điều này đã xảy ra với cuộc tổng tuyển cử 2/2 vừa qua, khi những người biểu tình phong tỏa nhiều khu vực bầu cử, ngăn cản các ứng cử viên đến đăng ký tranh cử và khiến nhiều địa điểm bỏ phiếu phải đóng cửa.
Từ những diễn biến hiện tại cho thấy tình hình Thái Lan tiếp tục phức tạp, khó đoán định và có nguy cơ bùng nổ cao nếu các bên không kiềm chế tối đa. Ngòi nổ có thể là những xung đột giữa 2 lực lượng biểu tình bất đồng quan điểm dẫn tới đổ máu, có thể xảy ra nội chiến. Thời điểm này chưa hé lộ một giải pháp nào để tháo ngòi nổ căng thẳng tại Thái Lan. Giới phân tích lo ngại, kịch bản quân đội sẽ phải vào cuộc khi Tư lệnh lục quân nước này hôm qua cảnh báo: “Nếu bạo lực tiếp diễn, quân đội có thể cần ra mặt để khôi phục hòa bình và trật tự. Quân đội có thể sử dụng vũ lực để giải quyết tình hình”. Nếu vậy, nền chính trị Thái Lan sẽ dự báo đối mặt với một tương lai bất ổn sâu sắc, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của xứ sở Chùa vàng./.