Khủng hoảng nợ của Hy lạp: Căn bệnh nan y

(VOV5)- Ngày 20/2, bộ trưởng tài chính các nước Khu vực đồng Euro sẽ nhóm họp tại Brussel (Bỉ) để xem xét thoả thuận với Hy Lạp về việc cấp cho nước này gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ Euro của EU và IMF cũng như việc các chủ nợ tư nhân xoá 100 tỉ Euro tiền nợ cho Hy Lạp. Nhưng xem ra, căn bệnh nợ công này vẫn chưa có liều thuốc đặc trị, càng chữa càng nặng.

 Khủng hoảng nợ của Hy lạp: Căn bệnh nan y - ảnh 1
Các khoản vay của Hy Lạp chỉ đủ để cầm cự với nợ công chứ nói gì đến vực đậy nền kinh tế

Để cứu Hy Lạp, Uỷ ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã buộc nước này phải áp dụng nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Lần này, để tránh vỡ nợ và nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ Euro, Chính phủ Hy Lạp ngày 19/2 đã thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" cuối cùng mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu và trước đó ngày 17/2 đã trình lên “bộ ba”  chủ nợ quốc tế này kế hoạch cắt  giảm bổ sung 325 triệu Euro. Theo đó, Hy Lạp sẽ cắt giảm gần 100 triệu Euro trong lĩnh vực y tế và quốc phòng, gần 45 triệu Euro từ việc hạ mức lương hưu cơ bản, khoảng 20-30 triệu Euro bảo hiểm tiết kiệm hưu trí. Số tiền còn lại sẽ được tiết kiệm thông qua việc cắt giảm trợ cấp cho gia đình đông con, chi tiêu của chính phủ trong năm nay và cắt giảm chi tiêu trong một số lĩnh vực khác. Kèm theo đó là việc gây sức ép để các chủ nợ tư nhân Hy Lạp (các ngân hàng hay các công ty bảo hiểm) xóa nợ dần cho Nhà nước Hy Lạp từ 21%, đến 50% rồi 70%. Có thể nói, đây là những điều kiện hết sức ngặt nghèo nhằm mục tiêu giảm nợ công của Hy Lạp từ 160% GDP hiện tại xuống còn 120% vào năm 2020. Nhưng xem ra, đây là mục tiêu khó có thể đạt được bởi các khoản vay của Hy Lạp chỉ để trả nợ đáo hạn, đủ để Hy lạp cầm cự với nợ công chứ nói gì đến việc vực dậy nền kinh tế. Còn nhớ, 110 tỉ Euro của gói cứu trợ thứ nhất được Hy lạp dùng vào trả lãi và lần này 2/3 trong số 130 tỉ Euro của gói cứu trợ thứ hai cũng sẽ được dùng vào mục đích đó để để tránh nguy cơ vỡ nợ vào ngày 20/3 tới.   Và một vòng luẩn quẩn là Hy Lạp “càng thắt lưng buộc bụng”, nền kinh tế nước này càng đi xuống bởi các biện pháp khắc khổ mà Hy Lạp áp dụng chỉ nhắm tới việc cắt giảm chi tiêu để thu hẹp bội chi ngân sách nhà nước, giảm bớt nợ công trong khi nền kinh tế không tăng trưởng, mà tăng trưởng sao được khi mà Nhà nước Hy lạp phải trả lãi suất (8,8%) cao hơn so với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế thực. Điều đó giải thích cho việc GDP của Hy Lạp sụt giảm 4 năm liên tiếp. Năm 2011 giảm 6% so với năm trước và theo dự báo của IMF thì năm 2012, GDP của nước này tiếp tục giảm thêm 4%.  

 

“Suy thoái, thất nghiệp, thâm hụt ngân sách” là những gì mà Hy Lạp đang trải qua. Có thể nói, toa thuốc “thắt lưng buộc bụng” và khoản tiền cứu trợ bạc tỉ mà các thể chế tài chính châu Âu và IMF kê cho Athene tác dụng đâu thì chưa thấy, song lại có ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đẩy xã hội Hy Lạp vào cảnh bất an. Kể từ khi bộ ba EC, ECB và IMF vào cuộc, tiền công lao động ở nước này đã giảm trung bình 14,3%, riêng công chức là 9% và ngành nhà hàng, khách sạn là 33%. Một chuyên gia kinh tế Đức nhận định: nếu mức giảm này lớn hơn nữa sẽ gây ra nhiều hệ lụy chính trị. Ngày 19/2, các tổ chức công đoàn đã tổ chức các cuộc biểu tình đông đảo tại thủ đô Athene và các thành phố của Hy Lạp nhằm phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ. Hàng nghìn người tập trung trước toà nhà Quốc hội biểu tình nhằm phản đối các biện pháp cắt giảm tiền lương và lương hưu mà họ cho vi hiến, khiến cho đời sống của họ cơ cực. Trước bài toán nan giải của Hy lạp, đã có không ít các chuyên gia, các nhà chính trị nói đến việc Hy Lạp ra khỏi Liên minh tiền tệ châu Âu và cho rằng đây là điều ít xấu nhất đối với nước này và để cứu vãn khu vực đồng Euro nói chung và Liên minh Châu Âu nói riêng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác