(VOV5)- Với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống và 6 phiếu trắng, ngày 16/7, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua dự luật về những biện pháp cải cách khắc nghiệt theo yêu cầu của các chủ nợ nhằm đổi lấy một gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD). Trong khi đó, các nước thành viên khác trong Eurozone cũng bắt đầu xem xét cấp cho Athens gói cứu trợ thứ 3. Như vậy, bước đầu Hy Lạp đã tạm thời thoát khỏi vùng nguy hiểm, tránh nguy cơ rời khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu, song liệu Hy Lạp có thể vực dậy trong thời gian tới hay không là câu chuyện còn dài.
|
Dự luật được thông qua sau cuộc tranh luận căng thẳng tại Quốc hội. Đảng Syriza cầm quyền đã thông qua được dự luật trên nhờ sự ủng hộ của những đảng đối lập có quan điểm ủng hộ châu Âu. Tuy nhiên, có 38 nghị sĩ thuộc Syriza bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống, trong đó có cả những nhân vật nắm giữ vị trí chủ chốt trong nội các. Điều này cho thấy sự chia rẽ trong đảng cầm quyền đối với việc thực thi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", vốn đã bị các cử tri Hy Lạp phản đối trong cuộc trưng cầu ý dân trước đó. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, có lẽ các nghị sĩ Hy Lạp khó có sự lựa chọn nào khác để có thể nói “không” với thỏa thuận.
Trở ngại của kế hoạch giải cứu
Theo thỏa thuận đạt được với Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hôm 13/7, Quốc hội Hy Lạp phải thông qua những thay đổi sâu rộng về luật lao động, tiền lương, thuế để có được khoản hỗ trợ từ 82-86 tỷ euro trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này cần được sự thông qua của Quốc hội 8 nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu eurozone và quá trình này được dự báo sẽ mất vài tháng. Đến nay, mới chỉ có Quốc hội Pháp thông qua và tiến trình này được xem là khá khó khăn vì chính giới nhiều nước không hoàn toàn đồng tình với việc giải cứu Hy Lạp.
Không những thế, khó khăn còn đến từ chính nội bộ Hy Lạp. Đó là sự chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội Hy Lạp khi ngày càng có nhiều ý kiến phản đối thỏa thuận cứu trợ, cho rằng đây là thỏa thuận "tồi tệ nhất" để duy trì quy chế "thuộc địa nợ" của Athens. Điều này báo hiệu một giai đoạn bất ổn chính trị bắt đầu ở quốc gia này. Bên cạnh những cải cách được yêu cầu thực hiện, Hy Lạp còn phải tìm kiếm những con đường để tăng trưởng và đây mới là thách thức thực sự. Làm thế nào để thoát ra khỏi cuộc suy thoái trầm trọng là câu hỏi mà các nhà lãnh đạo Hy Lạp đang bế tắc đi tìm lời giải. Cắt giảm thêm chi tiêu sẽ không mang lại tăng trưởng đủ để giảm bớt khoản nợ đang tăng nhanh của Hy Lạp, mà có thể gây ra những tác động ngược.
Chỉ là những giải pháp “giật gấu vá vai”
Mặc dù đã tránh cho Hy Lạp khỏi cảnh vỡ nợ vào phút cuối nhưng không có nghĩa là giới chuyên gia đã ít lo lắng hơn về khả năng vỡ nợ của quốc gia này trong tương lai. Một câu hỏi lớn là gói giải cứu có thể kéo dài được sự sống của Hy Lạp trong bao lâu. Gói cứu trợ đầu tiên vào tháng 5/2010 được đánh giá là chỉ giải quyết khó khăn trước mắt. Gói cứu trợ thứ 2 thông qua tháng 2/2012 cũng đi theo vết xe đổ này. Và đến gói cứu trợ lần này, các chuyên gia phân tích dự đoán cũng khó đảm bảo được khả năng trả nợ của Hy Lạp trong tương lai, mà đây chỉ là một sự vá víu tạm thời để ngăn cho con tàu Hy Lạp khỏi chìm.
Trong một nghiên cứu cập nhật về tình hình Hy Lạp đưa ra ngày 14/7, IMF nhận định gánh nặng nợ của quốc gia châu Âu này trong 10 năm tới sẽ lớn hơn nhiều so với ước tính. IMF dự báo nợ công của Hy Lạp sẽ tương đương khoảng 200% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm tới, tăng hơn 20% so với ước tính trước đó, một phần do nền kinh tế tiếp tục suy thoái trong năm nay. Đến năm 2022, nợ công của Hy Lạp dự báo sẽ tương đương 170% GDP, thay vì mức dự báo 142% trước đó. Do vậy, quốc gia này cần nhiều hơn khoản tiền cứu trợ trị giá khoảng 86 tỷ euro vừa đạt được để có thể duy trì nền kinh tế ổn định.
Chưa đoán định được tương lai
Kể từ khi xảy ra khủng hoảng năm 2010, các chính quyền nối tiếp nhau ở Hy Lạp về cơ bản đều đi theo “phác đồ” điều trị của nhóm Bộ ba chủ nợ. Tuy nhiên, điều trớ trêu là Hy Lạp lại ngày càng rơi vào suy thoái trầm trọng. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp là 26,5%, thuộc loại cao nhất châu Âu, và trong giới trẻ thì tỷ lệ này lên tới 60%. Đây chính là hậu quả của chuỗi cắt giảm lương ở khu vực công và tăng thuế trong suốt giai đoạn suy thoái. Các biện pháp cắt giảm hơn nữa để đổi lấy gói cứu trợ lần này sẽ càng khiến cho nền kinh tế Hy Lạp thêm khốn đốn. Các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng bằng cách buộc Hy Lạp phải thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt hơn, kinh tế “Xứ sở thần thoại” này sẽ gánh chịu những hậu quả lớn hơn rất nhiều. Trước hết là những xáo trộn, bất ổn trong xã hội. Người dân đang dần tỏ ra mất kiên nhẫn trước những chính sách của chính phủ. Bằng chứng là ngày 15/7, hàng nghìn người Hy Lạp đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng và các cuộc biểu tình này đã trở thành bạo lực khi hàng chục quả bom xăng được ném vào lực lượng cảnh sát bên ngoài trụ sở quốc hội. Đây là 1 trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 2 năm qua ở quốc gia Nam Âu này. Chắc chắn trong những ngày tới tình hình Hy Lạp còn nhiều diễn biến khó lường.