Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp

(VOV5) - Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp vừa đặt ra bài toán khó giải cho các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Đó là Hy Lạp nhiều khả năng phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kéo theo nhiều tác động và hậu quả xấu đến toàn bộ khu vực. Các nhà lãnh đạo các nước EU đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán này.


Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp - ảnh 1
Quốc kỳ Hi Lạp bay sau bức tượng thể hiện tinh thần thống nhất của châu Âu bên ngoài tòa nhà Nghị viện châu Âu ở Brussels (Bỉ) - Ảnh: Reuters


Nếu Hy Lạp bị loại ra khỏi Eurozone, điều đó sẽ gây thiệt hại kinh tế to lớn, có thể lên tới hàng ngàn tỷ euro. Chưa hết, nó còn kéo theo sự đổ vỡ niềm tin vào chiến lược xây dựng liên minh lâu dài tại châu Âu. Ngoài nguy cơ các chủ nợ quốc tế mất trắng khoản cho vay lên tới hơn 242 tỷ euro, chủ yếu nằm trong hai gói cứu trợ cùng số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp, hiện do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của các quốc gia Eurozone nắm giữ, việc Hy Lạp hoàn toàn đoạn tuyệt với đồng euro được ví như một trận động đất kinh hoàng khi nó có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền đe dọa tương lai của đồng euro. Điều này đặt EU vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ngay cả các nhà lãnh đạo EU và eurozone giờ đây buộc phải lựa chọn có hay không đối với bài toán Hy Lạp.

EU: cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ cho Hy Lạp

Ngay Hy Lạp đã kết thúc cuộc trưng cầu dân ý, tối 7/7/2015, lãnh đạo các nước thuộc eurozone đã có cuộc họp khẩn tại Brussels ( Bỉ). Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp tối 6/7/ 2015 tại Paris để thảo luận về vấn đề Hy Lạp và có tuyên bố rằng cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ cho Hy Lạp. Tuyên bố này được coi là cánh cửa để ngỏ trong việc tìm kiếm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đều nhấn mạnh đã đến lúc, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras  cần phải đưa ra những đề xuất nghiêm túc, đáng tin và mong muốn ở lại Eurozone cần được thể hiện bằng một kế hoạch có tính dài hạn.

Hy Lạp nói gì?

Hy Lạp đã tỏ ý nhượng bộ phần nào sau khi có kết quả trưng cầu dân ý bằng việc đưa ra những cải cách mới để đổi lấy gói cứu trợ của EU.  Bản thân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý cũng tuyên bố Athens sẵn sàng tiếp tục đàm phán về kế hoạch cải cách, bởi nước này không muốn rời khỏi Eurozone. Tại Athens, Thủ tướng Tsipras đã nhận được sự ủng hộ từ 4 đảng phái chính trị chủ chốt về kế hoạch đẩy nhanh tiến trình đàm phán, nhằm sớm đạt được thỏa thuận công bằng về kinh tế, xã hội đối với các chủ nợ. Ông Tsipras cũng có cuộc điện đàm với Giám đốc ECB Mario Draghi, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, đề cập đến những thách thức thực sự về kinh tế mà Hy Lạp đang phải đối mặt, cùng với đó là đề nghị ECB tiếp tục chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp.

 Thách thức không nhỏ

 Đó là việc nội bộ các nước châu Âu hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong cách thức tiếp cận vấn đề Hy Lạp. Có 16/18 nước Eurozone giữa quan điểm cứng rắn, sẵn sàng để Hy Lạp rời khỏi khu vực này. Nhóm này gồm Đức, Phần Lan, các nước Baltich, Trung Âu và Nam Âu. Lãnh đạo các quốc gia này cảnh báo nếu Athens đến đàm phán với hy vọng buộc đối tác thay đổi quan điểm thì mọi việc sẽ chấm dứt, không cso sự lựa chọn nào khác ngoài việc Hy Lạp phải sẵn sàng chấp nhận các cải cách sâu rộng. Chỉ có Pháp và Italy là tỏ thái độ có thể chấp nhận yêu cầu của Hy Lạp. Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết không có bất kỳ điều cấm nào về tái cấu trúc các khaonr nợ. Thủ tướng Italia Matteo Renzi thì nói rằng eurozone cần tìm ra một cách thực triệt để để giải quyết tình hình khẩn cấp hiện này. Ông Matteo cho rằng nếu tiếp tục giam mình trong các quy định và thói quan liêu, châu Âu sẽ sụp đổ.

 Hy Lạp và EU sẽ phải gấp rút nối lại cuộc thương lượng nhằm tìm ra giải pháp cho tình trạng bế tắc hiện nay. Vấn đề là các bên có thể thỏa hiệp tới đâu và những thỏa hiệp này có phải là chiếc phao cứu sinh cho cả Hy Lạp lẫn eurozone hay không?  Trong một diễn biến khó khăn là ECB đã quyết định không mở rộng gói thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp mà giữ nguyên mức 89 tỷ euro như thông báo đầu tuần trước. Các ngân hàng Hy Lạp hiện nay sắp cạn tiền mặt và nếu không được ECB bơm tiền bổ sung sẽ khó điều hành hiệu quả các công cụ chính sách ở nước này./.

         

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác