(VOV5)- Trái ngược với tín hiệu lạc quan của nền kinh tế toàn cầu, thế giới lại chứng kiến nhiều biến động về chính trị, đối diện với các thách thức về an ninh trong năm 2013. Những diễn biến này tác động không nhỏ tới bức tranh chính trị thế giới, khiến dư luận không khỏi lo ngại về triển vọng giải quyết những mâu thuẫn, điểm nóng.
Năm 2013, kinh tế thế giới đã phục hồi nhưng sự phục hồi còn chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Trên bình diện chính trị, thoả thuận đạt được giữa các nước về các điểm nóng trên thế giới mới chỉ là bước đầu, cần nhiều thời gian hơn nữa để có thể đi tới một giải pháp toàn diện. Đáng lo ngại là chủ nghĩa khủng bố quốc tế hồi sinh mạnh mẽ đe dọa an ninh thế giới.
Làn sóng biểu tình lan rộng, tranh chấp lãnh thổ tiếp diễn
Năm 2013, bất chấp việc Iran và nhóm P5 + 1 đạt được thỏa thuận về hồ sơ hạt nhân, không ít các nước khu vực Trung đông, Bắc Phi rơi vào bất ổn chính trị, kinh tế suy giảm, xã hội bị chia rẽ sâu sắc. Các cuộc biểu tình rầm rộ đòi loại bỏ Chính phủ mới do chính người dân bầu ra liên tục bùng phát, khiến các quốc gia trong khu vực này rơi vào vòng luẩn quẩn, trong đó bất ổn tại Ai Cập là ví dụ điển hình.
Quang cảnh một cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 (Ảnh AFP)
Làn sóng biểu tình tiếp diễn ở châu Âu trong bối cảnh người dân bất bình với những chính sách thắt lưng buộc bụng mà các chính phủ áp dụng để vượt qua khủng hoảng nợ công.
Tại châu Á, chính trường Campuchia và Thái Lan tiếp tục trải qua nhiều sóng gió. Với cáo buộc gian lận bầu cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa V dẫn tới chiến thắng sít sao dành cho đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Cứu quốc dân tộc Campuchia (CNRP) đã phát động biểu tình và tẩy chay phiên họp Quốc hội đầu tiên, gây cản trở tiến trình thành lập Chính phủ và bất ổn cho xã hội. Trong khi đó, quốc gia láng giềng là Thái Lan đang phải chống chọi với làn sóng biểu tình của phe đối lập đòi Chính phủ của bà Yingluck Sinawatra từ chức. Cũng tại châu lục này, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lại dậy sóng, nhất là sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
Năm 2013, các cuộc xung đột sắc tộc, giáo phái, phe nhóm bùng phát mạnh mẽ làm tình hình an ninh tại nhiều quốc gia châu Phi luôn bị đe dọa. Theo thống kê, có tới 1/3 trong tổng số 54 quốc gia châu Phi phải chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột. Liên minh châu Phi đã phải tiến hành nhiều nỗ lực hoà giải nhưng không mấy thành công, chủ yếu do tính chất phức tạp của các cuộc khủng hoảng và những thách thức trong việc lựa chọn đối tác đàm phán.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố
Trong năm 2013, thế giới chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda với hàng loạt vụ tấn công đẫm máu, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Al - Qaeda dù bị chia nhỏ song vẫn có ảnh hưởng toàn cầu rộng khắp. Theo Viện nghiên cứu START (Mỹ), làn sóng bạo lực dường như có rất ít dấu hiệu thuyên giảm. Afghanistan và Syria đang nổi lên như 2 trung tâm quan trọng của khủng bố toàn cầu, đe doạ an ninh khu vực Nam Á, Tây Á và bắc Phi.
Phe nổi dậy tại Syrie. Ảnh: AFP
Ngoài ra, các phần tử khủng bố còn gây ra vụ nổ tại Boston, Mỹ, tấn công quảng trường Thiên An Môn (Trung Quốc) và gần đây nhất là vụ đánh bom tự sát tại nhà ga xe lửa ở thành phố Volgograd (Nga) khiến nhiều người thiệt mạng.
Kinh tế thế giới chậm phục hồi
Sau 5 năm vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu lớn nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước, nền kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi, nhất là ở những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chấm dứt đợt suy thoái suốt 6 quý liên tiếp. Song song với đó là mức tăng trưởng khả quan của nền kinh tế Mỹ, trong khi chương trình cải cách của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, cũng bước đầu đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde từng nhận xét tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn quá chậm để có thể tạo thêm nhiều việc làm mà thế giới đang cần. Đáng chú ý khu vực sử dụng đồng euro vẫn là trung tâm gây lo lắng khi nhiều nền kinh tế trong khu vực này vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn từ nhiều năm nay. Trong khi đó, kinh tế Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng không vận hành tốt vì ngân sách của Chính phủ tự động cắt giảm.
Năm 2013 đã khép lại với nhiều tồn tại.Dư luận hy vọng trong năm 2014, các mâu thuẫn chính trị sẽ từng bước được giải quyết, kinh tế phục hồi nhanh hơn để bức tranh toàn cầu có thêm nhiều gam màu sáng./.