Nâng cao năng lực điều hành phát triển kinh tế

(VOV5) - Kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 được kiểm soát tốt với nhiều kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực.


Dự kiến nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra trong năm nay sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đó là tiền đề tốt để Chính phủ đề ra kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016 cao hơn năm nay với điều kiện các bộ, ngành, địa phương phải nắm sát tình hình và có phản ứng phù hợp với các biến động kinh tế. 


Nâng cao năng lực điều hành phát triển kinh tế - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)


Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8-2015, diễn ra ngày 1-9-2015, dự kiến 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2015 sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

Kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô trên đà phục hồi ổn định kinh tế

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nhưng với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động ứng phó của các bộ, ngành, địa phương với những giải pháp, chính sách kịp thời và phù hợp, kinh tế Việt Nam đã ngày càng ổn định rõ nét với nhiều kết quả tích cực khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Rõ nhất là kinh tế vĩ mô được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, tỷ giá điều chỉnh linh hoạt. Đà tăng trưởng xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu 8 tháng qua vẫn ở mức kiểm soát. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 8 tháng qua, xuất khẩu Việt Nam đạt trên 106 tỷ đô la Mỹ, tăng 9%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam dự báo với kết quả kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm như vậy, ước khả năng tổng sản phẩm trong nước năm 2015 sẽ đạt 6,4%, tăng 0,2% so với kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%, lạm phát bằng 1/2 hoặc thấp hơn so với dự tính ban đầu.

Phản ứng chính sách phải “nhanh, nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả”

Ứng phó với những khó khăn, thách thức đang nổi lên, nhất là biến động giá dầu thô giảm mạnh, thị trường tài chính thế giới diễn biến phức tạp sau khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, sản xuất nông nghiệp và thủy sản khó khăn do thiên tai, hạn hán, mưa, lũ… đòi hỏi cần có phản ứng chính sách linh hoạt. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ không được chủ quan trước những biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường của kinh tế thế giới, nắm sát tình hình, nâng cao năng lực phản ứng chính sách “nhanh, nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả”, đồng thời biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi trong quản lý, điều hành nền kinh tế.

Nâng cao năng lực điều hành phát triển kinh tế - ảnh 2
Một dây chuyền may hàng xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN


Các bộ, ngành, địa phương cũng phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, quyết tâm đạt và vượt cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra trong năm nay. Thủ tướng nêu rõ: “ Phải tiếp tục kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành lạm phát theo mục tiêu theo hướng nâng lên, giữ ổn định tỷ giá lãi xuất theo thị trường, bằng các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu tăng 10% gắn với kiểm soát nhập siêu; tăng cường các biện pháp tăng thu ngân sách, bảo đảm cán cân thanh toán của nền kinh tế”…Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là hoàn thiện khuôn khổ thể chế, cơ chế, chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngân hàng, đưa nợ xấu về 3%  gắn với ổn định hệ thống và trong năm nay ít nhất phải hoàn thành cổ phần hóa 200 doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy tiến độ giải ngân hoàn thành kế hoạch đầu tư; tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giảm nghèo, tạo việc làm; đẩy mạnh công tác đối ngoại; tăng cường đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và công tác thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác, tạo đồng thuận trong xã hội.

Trên cơ sở dự báo khả quan về tình hình kinh tế xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016 với tinh thần tăng trưởng cao hơn, hiệu quả nền kinh tế tốt hơn, trong đó tăng trưởng kinh tế năm 2016 khoảng 6,7% và 5 năm tới từ 6,7% đến 7% gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác