(VOV5)- Hy Lạp đang tiến gần đến nguy cơ vỡ nợ bởi quốc gia này hầu như không còn đủ thời gian để thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.
Khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang đi vào giai đoạn cuối khi chính quyền trung ương không còn tiền để thanh toán cho các khoản chi cấp bách, trong khi đó thời gian trả nợ đã đến. Trong lúc này, những nỗ lực đàm phán giữa Hy Lạp với "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận được gói cứu trợ lại bế tắc. Sự tồn tại của Hy Lạp trong khu vực Đồng tiền chung Châu Âu (eurozone) đang ở trong giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong một diễn biến mới nhất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 22/4 tuyên bố ECB chỉ tiếp tục rót tiền cho các ngân hàng của Hy Lạp chừng nào các thể chế này còn khả năng thanh toán nợ và còn tài sản thế chấp có giá trị. Trước đó, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tuyên bố không cho Hy Lạp trì hoãn trả khoản nợ 2,5 tỉ euro đáo hạn vào tháng 5 tới. Lý do các chủ nợ chưa đồng ý tiếp tục cứu trợ tài chính Hy Lạp vì chính phủ nước này chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu và điều kiện đặt ra là cải cách hành chính và xã hội, đẩy mạnh tư nhân hoá và thực hành tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Với ngân khố trống rỗng như hiện nay, tuyên bố và điều kiện mà các chủ nợ đưa ra là sự thách đố đối với chính quyền Hy Lạp và nguy cơ vỡ nợ của nước này đã cận kề.
Hy Lạp vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế để giải ngân 7,2 tỉ euro
Nền kinh tế rơi vào cảnh đường cùng
Trong lúc này, một sự căng thẳng đang bao trùm tại Hy Lạp, sau khi Chính phủ nước này ra sắc lệnh “trưng thu” tạm thời các nguồn tiền dự trữ của các cơ quan chính quyền, tổ chức công, từ bệnh viện, các trường đại học đến các quỹ để giúp nhà nước trả nợ. Số tiền cần trang trải những nhu cầu cấp bách của đất nước hiện lên đến 3 tỷ euro, bao gồm tiền lương, bảo hiểm xã hội, trả lãi suất nợ và những khoản vay đến hạn phải trả. Suốt 6 năm khủng hoảng nợ vừa qua, Hy Lạp chưa phải dùng đến biện pháp huy động mang tính bắt buộc như vậy. Động thái này cho thấy bước đường cùng của Chính phủ Hy Lạp, khi ngân khố đã trống rỗng và sức ép của các chủ nợ ngày càng gia tăng. Đối với người dân Hy Lạp, dù sắc lệnh cần phải được Quốc hội thông qua mới có hiệu lực nhưng đó dường như là giọt nước tràn ly sau những năm tháng thắt lưng buộc bụng đầy kham khổ.
Các chính quyền địa phương ở Hy Lạp đã kịch liệt phản đối quyết định này, cho rằng việc Nhà nước quản lý nguồn quỹ của các địa phương là không công bằng và không thể chấp nhận được và điều này có thể khiến các cơ quan địa phương này phải ngừng hoạt động. Thêm vào đó, việc chuyển nguồn ngân sách dự trữ của các địa phương và khu vực trên khắp Hy Lạp tới Ngân hàng Trung ương sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính, trong bối cảnh chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Hy Lạp vừa giảm thêm 3,3%. Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến phản đối, Chính phủ vẫn bảo lưu quyết định khi cho rằng đây thực ra là hình thức "vay nợ ngắn hạn" của nhà nước, đồng thời cho biết các nguồn quỹ này sẽ được hoàn trả lại cho địa phương theo các nhu cầu cần thiết trong vòng 15 đến 20 ngày.
Thế nhưng, lấy đâu ra nguồn kinh phí hoàn trả các khoản huy động thì chính quyền Hy Lạp không có câu trả lời.
Kịch bản nào tiếp theo cho Hy Lạp?
Ngày mai, 24/4 là thời hạn chót các Bộ trưởng tài chính Châu Âu nhóm họp tại Latvia đưa ra quyết định về việc cứu trợ Hy Lạp. Song, cho đến lúc này Hy Lạp vẫn chưa đưa ra được chương trình cải cách kinh tế theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế, để nhận được khoản giải ngân 7,2 tỉ euro còn lại trong gói cứu trợ 240 tỷ euro mà EU và IMF đã nhất trí dành cho Hy Lạp từ năm 2010. Bất đồng khiến Hy Lạp và các chủ nợ không đi đến được thỏa thuận cuối cùng do, phía châu Âu muốn Hy Lạp làm nhiều hơn nữa để cải tạo nền kinh tế ngập trong nợ nần, và chính quyền không chấp nhận cắt giảm chi tiêu công, thay vào đó đang xem xét tăng thu ngân sách bằng con đường cải thiện hoạt động thu thuế.
Kể từ khi chiến thắng sau bầu cử và lên nắm quyền, đảng cánh tả Syriza ở Hy Lạp phải đối mặt với nhiều áp lực. Đảng này đã cam kết với người dân rằng Hy Lạp sẽ thoát khỏi chính sách kinh tế khắc khổ và tiếp tục ở lại trong Eurozone nhưng điều này dường như đang trở nên “bất khả thi”. Để tìm lối thoát, hiện nay đảng Syriza của chính quyền đương nhiệm đã tính đến phương án chấp nhận liên minh với hai đảng trung tả nhỏ hơn, nhằm tiếp tục duy trì được tỉ lệ đa số tại quốc hội, thậm chí trong trường hợp cần thiết có thể loại các nghị sỹ “cực tả”, những người ủng hộ Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Trong trường hợp này, chính phủ Hy Lạp có thể sẽ sẵn sàng ký vào thỏa thuận mới với đại diện của Eurozone và Quỹ tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Hy Lạp cũng sẽ khó được cải thiện.
Hiện chưa rõ Hy Lạp có bị buộc phải rời khỏi Liên minh châu Âu nếu nước này rời khỏi Eurozone hay không. Các chuẩn mực của EU cho phép các quốc gia rời bỏ liên minh, nhưng luật liên quan đến các nước không tham gia sử dụng đồng tiền chung euro lại khá mơ hồ. Nếu Hy Lạp buộc phải rời khỏi EU, quốc gia này sẽ phải đánh giá lại các liên minh kinh tế, chính trị và quân sự của mình. Mặc dù kịch bản này khó trở thành hiện thực, nhưng hiện tại, Hy Lạp đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra./.