ăm 2013, Việt Nam vẫn nhất quán các chính sách như: ưu đãi người có công, giảm nghèo, tạo việc làm.
Năm 2013 tuy kinh tế còn khó khăn, nguồn lực bị thiếu hụt nhưng về tổng thế, bức tranh an sinh xã hội của Việt Nam vẫn có rất nhiều gam màu sáng. Chính phủ vẫn bố trí tương đối đủ nguồn lực cho Chương trình giảm nghèo nói riêng và một số chính sách xã hội nói chung. Biên tập viên Đài TNVN có bài tổng hợp nhan đề Nhất quán bảo đảm an sinh xã hội.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng xuống cơ sở trực tiếp chỉ đạo các biện pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh Chinhphu.vn |
Năm 2013, Việt Nam vẫn nhất quán các chính sách như: ưu đãi người có công, giảm nghèo, tạo việc làm. Đây là một trong những yếu tố bảo đảm được ổn định xã hội. Ở lĩnh vực bảo trợ xã hội, các cấp, các ngành tiếp tục dành sự quan tâm đến người cao tuổi, người khuyết tật, những người ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Những kết quả nổi bật
Theo Bộ lao động, thương binh và xã hội, năm 2013, Việt Nam vẫn duy trì được chỉ tiêu giảm nghèo bình quân cả nước từ 1,7 đến 2%. Đối với các huyện nghèo nhất vẫn duy trì được trên 4%. Cũng trong năm qua, cả nước tạo việc làm mới cho trên 1 triệu 500 nghìn lao động. Các địa phương, doanh nghiệp cũng đưa gần 90 nghìn người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tăng 10% so với năm trước. Cùng với các chính sách an sinh xã hội, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng ngay từ đầu năm 2013 cũng đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Song song với đó, công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo trợ xã hội; việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, dạy nghề, bảo vệ chăm sóc trẻ em…được các cơ quan triển khai có hiệu quả. Đến hết năm 2013, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt hơn 60 triệu người, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2012. Việc giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Nguyễn Thị Thanh Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, đánh giá: Những kết quả đạt được trong năm 2013 là rất đáng kể và có ý nghĩa rất quan trọng. Đầu tư cho an sinh xã hội vẫn được chú trọng hơn, đời sống của người dân cũng đã được cải thiện. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tăng. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội được mở rộng, một số chính sách hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo, học sinh là dân tộc thiểu số đã được thực hiện, sức khoẻ nhân dân được cải thiện nhiều, mạng lưới y tế được mở rộng và chất lượng khám chữa bệnh cũng đã được nâng lên.”
|
Để có được những thành quả này, Thứ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm phân tích: “Cái mới là chúng ta đã có Chương trình Mục tiêu quốc gia từ 2 chương trình riêng rẽ trước đây là Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 30a, bãi ngang ven biển…giờ gói gọn chung trong một chương trình, tạo thuận lợi cho sự điều hành của Chính phủ và các bộ ngành. Đối với đối tượng, thì hộ nghèo chúng ta đã có nhiều chính sách, và năm qua chúng ta bổ sung thêm chính sách đối với hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để giảm nghèo bền vững.”
Thách thức không nhỏ
Bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh tổng thế về an sinh xã hội vẫn còn những bất cập khi khoảng cách giàu nghèo còn lớn. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Công tác y tế, giáo dục còn nhiều mặt yếu kém. Thứ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhận định: Giảm nghèo của chúng ta chưa thực sự bền vững, bởi lẽ là bộ phận dân cư có thu nhập quanh chuẩn nghèo rất là lớn. Tức là chênh lệch giữa nghèo và trên nghèo không đáng kể. Thách thức nữa là nghèo đang tập trung nhiều ở vùng khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi. Thiên tai và biến đổi khí hậu cũng là mối đe dọa với chúng ta. Mỗi năm có hàng chục nghìn hộ đã thoát nghèo nhưng do thiên tai lại quay về diện nghèo. Nguồn lực cho xoá đói giảm nghèo trong nước đã khó khăn nhưng nguồn lực quốc tế cũng giảm do cộng đồng quốc tế bắt đầu chuyển hướng, ưu tiên cho các nước khác nhiều hơn.
Trên những thành quả đã đạt được trong năm 2013, năm 2014 Việt Nam tiếp tục xây dựng chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù theo các nhóm đồng bào, các nhóm dân cư và các nhóm địa bàn, khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân./.