(VOV5) - Giới quan sát cho rằng sẽ không có một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai dễ dàng cho Tổng thống Macron.
Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 24/4, ông Emmanuel Macron sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Pháp thêm 5 năm. Tuy nhiên, theo giới phân tích trước mắt vị Tổng thống 44 tuổi này là một loạt thách thức, đặc biệt là hàn gắn một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc.
Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron trong cuộc gặp những người ủng hộ, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2, tại Paris, tối 24/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo công bố của Bộ Nội vụ Pháp, ông Macron, 44 tuổi, đại diện cho Đảng Cộng hòa tiến bước và theo xu hướng trung dung, nhận được 58,55% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 (vòng cuối) ngày 24/4. Đối thủ của ông, ứng viên cực hữu Marie Le Pen, giành 41,45% phiếu ủng hộ, một tỉ lệ không thấp.
Gắn kết người dân
Giới quan sát cho rằng sẽ không có một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai dễ dàng cho Tổng thống Macron. Ông phải đoàn kết một nước Pháp bị chia rẽ, cụ thể là đoàn kết với số đông người cực hữu đã không dành lá phiếu cho ông. Thực tế này cũng được lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đề cập sau bầu cử. Bà đã gọi số phiếu 58,55% của Tổng thống Macron là một thắng lợi cho phe đối lập. Đó là bởi, số phiếu ủng hộ đương kim Tổng thống đã giảm mạnh.
Chính vì vậy, trong bài phát biểu chiến thắng tối 24/4, tại Paris, Tổng thống Macron nhấn mạnh trách nhiệm của ông là “cần phải tìm ra câu trả lời cho sự tức giận và bất đồng đã khiến nhiều người Pháp ủng hộ phe cực hữu”. Ông khẳng định muốn là Tổng thống của tất cả mọi người dân Pháp.
Việc đoàn kết với số đông người cực hữu, nếu thành công, sẽ là lợi thế để Tổng thống đối phó với trở ngại tiếp theo là khả năng phản đối của dân chúng trước các kế hoạch cải cách, đặc biệt là cải cách lương hưu, với việc tăng dần độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 65. Giới phân tích cho rằng ông Macron có thể sẽ đối mặt với sự bất mãn xã hội nếu muốn thực thi những cải cách nhạy cảm như lương hưu. Một dấu hiệu báo trước những khó khăn là những cử tri phản đối cải cách lương hưu đã cảnh báo sẽ buộc ông phải chấp thuận độ tuổi nghỉ hưu là 64. Thậm chí, có ý kiến cho rằng có thể sẽ diễn ra biểu tình nếu ông Macron không thay đổi quan điểm.
Người ủng hộ mừng ông Emmanuel Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng hai, tại Paris, ngày 24/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một vấn đề khác mà ông Macron sẽ phải giải quyết là việc giá năng lượng tăng vọt. Chính phủ của ông Macron đặt ra mức trần giá điện và giảm giá cho đến sau cuộc bầu cử. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông khẳng định sẽ bảo vệ các cử tri nếu còn cần thiết nhưng không đưa ra một thời hạn. Khi vận động tranh cử tại thành Marseille, Tổng thống Macron từng tuyên bố sẽ xây dựng lại chính sách khí hậu mà nước Pháp đang theo đuổi. Tuy nhiên, các nhà vận động môi trường đã đặt dấu hỏi về mục tiêu của ông Macron, khi những vấn đề về môi trường đều không được cả ông và bà Le Pen nhắc đến khi tranh luận trên truyền hình trước vòng hai của kỳ bầu cử vừa rồi.
Trên chính trường, tháng 6 tới, tại Pháp, sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội. Năm 2017, cuộc bầu cử đã diễn ra rất thuận lợi đối với Tổng thống Pháp, nhưng ở thời điểm hiện tại, mọi thứ khó đoán hơn rất nhiều. Phân tích chiến thắng của ông Macron, các nhà quan sát nhận thấy chiến thắng này đến cả từ những lá phiếu để chống lại ứng viên cực hữu, có nghĩa là cử tri muốn ngăn bà Le Pen đến gần ghế Tổng thống chứ không thực sự ủng hộ ông Macron. Do đó, chính trường Pháp đang bị chia rẽ thành 3 khối: khối thân EU của ông Macron, khối theo chủ nghĩa dân tộc của bà Le Pen và phe cánh tả của ông Melenchon. Mỗi khối nhận được trên dưới 1/3 sự ủng hộ, và một chính phủ phải nhận 2/3 sự phản đối trong Quốc hội sẽ khó có thể vận hành trơn tru. Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ ở Paris sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống, bà Le Pen nói rằng sẽ "không bao giờ bỏ rơi" nước Pháp và bà đã chuẩn bị cho “cuộc tranh giành" trong cuộc bầu cử Quốc hội tới.
Thách thức trong việc khẳng định vai trò của Pháp ở châu Âu
Trên bình diện quốc tế, tập trung vào châu Âu là một trong những thông điệp chính của ông Macron kể từ khi ông đắc cử Tổng thống vào năm 2017. Tổng thống Pháp muốn thay đổi chính sách thị thực đi lại giữa các nước EU, một mức thuế áp dụng chung trong khối, phát triển công nghệ và tăng cường khả năng bảo vệ giữa các nước trong bối cảnh quân sự. Hướng đến một châu Âu "nhiệt huyết và chiến lược", đây là một chương trình được đánh giá là tham vọng nhưng sẽ phải đối diện không ít thách thức từ chính các nước trong khối EU.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ông Macron hiện nay, đó là xung đột tại Ukraine vì làm đảo lộn cấu trúc an ninh, trật tự địa chính trị cũng như các tính toán chiến lược tại châu Âu. Trước khi xung đột này nổ ra, ông Macron cùng các lãnh đạo Uỷ ban châu Âu đã dự định tổ chức một Thượng đỉnh Quốc phòng đầu tiên của EU trong tháng 03/2022 tại Paris, hướng đến việc đưa EU thành một Liên minh Quốc phòng, tiến bước dài trên con đường tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, khi gặp nhau tại Cung điện Versailles hôm 11/03, các lãnh đạo châu Âu chỉ còn một chủ đề thảo luận duy nhất là cuộc chiến tại Ukraine và cách ứng phó tiếp theo của châu Âu. Vai trò của NATO đã hồi sinh và các nước châu Âu hiện nay dừng đề cập việc xây dựng một lực lượng quốc phòng riêng. Với tư cách là quốc gia vận động mạnh mẽ nhất cho sự tự chủ chiến lược của EU, rõ ràng nước Pháp và cá nhân ông Macron hiện nay sẽ khó khăn trong việc thúc đẩy lại các dự án này khi cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp.
Những tồn tại của nước Pháp từ nhiệm kỳ đầu tiên, những thách thức củng cố vị thế tại châu Âu hay tỷ lệ số cử tri ủng hộ giảm sút đang cho thấy rõ khó khăn không nhỏ đang chờ đợi vị Tổng thống 44 tuổi của nước Pháp trong 5 năm tới.