(VOV5) - Những ngày này 70 năm trước, thủ đô Hà Nội sục sôi khí thế chiến đấu với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tết Nguyên đán Đinh Hợi năm ấy, Hà Nội đã đón năm mới trong không khí của “60 ngày đêm khỏi lửa”. Đó là một cái Tết trong tình trạng chiến tranh, khó khăn thiếu thốn mọi bề nhưng ấm áp tình quân dân, khéo léo, tài hoa, rạng ngời tinh thần lạc quan, tin tưởng vào cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của dân tộc.
|
Ảnh minh họa:internet |
Đêm 19/12/1946, khi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi từ Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng là lúc hàng nghìn người dân Hà Nội tình nguyện ở lại gia nhập vào đội quân cảm tử của Thủ đô. Hà Nội ngày ấy, “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ”. Trong lòng phố cổ đâu đâu cũng thấy những khẩu hiệu “Sống chết với Thủ đô”, “Độc lập hay là chết”. Cả Hà Nội sẵn sàng vừa đánh giặc vừa đón cái Tết đầu tiên của cuộc kháng chiến. Có mặt ở Hà Nội những ngày khói lửa ấy, bà Nguyễn Thị Nhân, Đội hậu cần Pháo Đài Láng chia sẻ: "Ngày 30 Tết, ngoài đường người ta chặt hết cả cây cối ngả ra cho xe tăng không đi được, chúng tôi vẫn hăng hái, vẫn thức cả đêm để xay thóc, giã gạo và làm thức ăn, xuống ao bắt cá tiếp tế cho bộ đội. Lúc bấy giờ ao cạn, không có nước cá cứ trơ ra để mình bắt. Su hào với rau nhiều lắm, nhưng chỉ có thể lấy rau ban đêm chứ ban ngày, tàu bay nó bắn ầm ầm".
Ngày 30 Tết năm ấy, nhân dân ngoại thành vượt nguy hiểm gửi thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, giò nạc, mứt, rau quả tươi và cả đào Nhật Tân còn nguyên nụ, quất Quảng An trĩu quả vào chúc Tết các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đang chiến đấu ở nội thành. Giao thừa, cảm tử quân Liên khu 1 được lệnh làm một cuộc tập kích địch. Địch bắn trả xối xả, từng loạt đạn vang lên được anh em xem như thay cho tiếng pháo nổ ngày Tết. Một tổ được bố trí cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc Tháp Rùa, như một lời đáp trả quân địch rằng: “Hôm nay Tết Đinh Hợi, người dân và bộ đội Việt Nam vẫn ăn Tết bình thường, một cái Tết chiến thắng khi lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trên bầu trời Thủ đô”. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, thuộc quân số của Liên khu 1, bồi hồi nhớ lại:" Mình cũng tổ chức một cái Tết Đinh Hợi, mời các Đại sứ và một số ngoại kiều ăn Tết Đinh Hợi tại Hàng Chiếu, cũng có cành đào, bánh chưng, dưa hành mang từ ngoại thành vào. Có thể nói giữa lòng Hà Nội, thời gian bị bao vây đã hơn 1 tháng, Việt Minh vẫn tổ chức một cái Tết rất đàng hoàng mời các đại sứ đến dự, như thế coi như Pháp không thể thắng nổi".
Mùng 1 Tết Đinh Hợi năm 1947, trời se lạnh, mưa bụi lất phất. Tuy không khí Tết có khác mọi năm nhưng mọi người vẫn đi chúc mừng năm mới, thăm hỏi tin tức người thân, chia nhau những món quà hậu phương gửi vào. Bàn tiệc mừng năm mới trải khăn trắng muốt, dưới ánh đèn măng xông sáng xanh, bộ đội Việt Nam cùng các quan khách nâng cốc chúc mừng năm mới, thưởng thức các món ăn của Tết cổ truyền Việt Nam. Đại biểu nước ngoài dự tiệc không khỏi ngạc nhiên trước tinh thần lạc quan của quân dân Hà Nội và ngợi khen sự khéo léo tài hoa của nam, nữ thủ đô. Không khí mùa xuân mới len lỏi đến từng chiến lũy. Pháo Đài Láng, mục tiêu bắn phá ác liệt của quân Pháp, nhưng Tết đến, vẫn rực rỡ với những bó hoa cải tươi tắn được chị em đội hậu cần hái từ ruộng mang vào. Pháo thủ Đỗ Văn Đa bồi hồi nhớ lại: "Lúc bấy giờ nhân dân Hà Nội ăn Tết trong nhà thôi, bao nhiêu bàn ghế vứt cả ra đường để chống xe tăng. Thanh niên thì đào qua phố này sang phố khác. Năm ấy lại mưa nhiều, rét. Ngày 12/1 tết, chúng tôi hành quân ngược gió lên Việt Bắc. Trên đường hành quân đến đê Thanh Trì, thấy nhân dân đang đun bánh chưng. Đồng bào nói “Tết rồi mà các chú còn đi ư, thế đây biếu các chú 3 cái bánh chưng”.
|
Ảnh minh họa:internet |
Bất chấp ngoài đường, những chiếc xe Zép chở lính Pháp đi tuần bắn vu vơ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vẫn đón Tết ấm tình hậu phương trong chiến hào. Giữa giây phút giao thời thiêng liêng ấy, họ trao nhau lời ước hẹn về một ngày chiến thắng để trở về xây dựng đất nước tươi đẹp hơn. Ai cũng xúc động khi được đón Tết giữa lòng địch hậu. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ: "Tết Đinh Hợi mang ý nghĩa sâu sắc, kể cả về nhiệm vụ chiến đấu, kể cả về vấn đề ngoại giao… Muốn nói cái tinh thần quyết chiến, quyết thắng của mình luôn phát huy ở mọi vị trí, mọi hình thức, để tạo lên vị thế là “ta vẫn là người chiến thắng”. Trong điều kiện khó khăn như thế, chiến đấu như thế mà vẫn giữ được phong tục tập quán của dân tộc. Thiêng liêng lắm".
Vui Tết Đinh Dậu năm nay lại bồi hồi nhớ về cái Tết Đinh Hợi 70 năm trước. Một cái Tết của tinh thần quyết chiến đấu và chiến thắng, niềm khát khao độc lập của toàn dân. Chính tinh thần ấy đã góp phần kìm chân dịch, bảo vệ Thủ đô trong 60 ngày đêm lịch sử, tạo cơ sở để cả nước củng cố lực lượng, tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ cho đến ngày toàn thắng.