(VOV5) - Ngày 7/5, nước Anh sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử quan trọng nhất trong 5 năm trở lại đây. Với cuộc tổng tuyển cử này, nước Anh sẽ lựa chọn một chính phủ mới với những chính sách mới định hình con đường phát triển trong gần một thập kỷ tiếp theo. Ở thời điểm này, cuộc đua giữa các đảng phái đang rất nóng và ngày càng khó dự đoán hơn khi hàng loạt cuộc thăm dò đều cho thấy tỉ lệ ủng hộ giữa hai chính đảng lớn nhất gần như ngang bằng nhau.
|
Thủ tướng David Cameron và Thủ lĩnh Ed Miliband của Công đảng. Ảnh: theo baotintuc.vn |
Cũng giống như cuộc bầu cử cách đây 5 năm, mô hình liên minh cầm quyền dự báo sẽ tiếp tục tái diễn trong cuộc tổng tuyển cử lần này. Bởi hiện tại, cả đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng David Cameron lẫn Công đảng đối lập của Thủ lĩnh Ed Miliband đều dự báo là khó có khả năng giành được đa số quá bán tại Hạ viện 650 ghế để độc lập thành lập chính phủ.
Cuộc đua song mã
Thực chất cuộc bầu cử tại Anh lần này là cuộc đua song mã giữa hai chính đảng lớn nhất trên vũ đài chính trị nước Anh là đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập. Với trọng tâm tranh cử là những chính sách kinh tế đầy triển vọng, cả hai đảng đang quyết liệt tìm kiếm sự ủng hộ từ các tầng lớp cử tri nước này.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy không có sự chênh lệch lớn và hai đảng đang bám nhau sát nút trong cuộc đua tranh. Theo kết quả thăm dò mới đây của tổ chức Opinium, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh D.Cameron đạt 36%, trong khi tỷ lệ ủng hộ Công đảng do ông E.Miliband đứng đầu là 32%. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò khác do tổ chức YouGov thực hiện lại cho thấy, Công đảng đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ là 36%, cao hơn ba điểm so đảng Bảo thủ. Với sự rượt đuổi sít sao này, giới quan sát nhận định đảng Bảo thủ và Công đảng đang ở thế “ngang sức ngang tài” và hai đảng đều đang nỗ lực hết mình tạo sự bứt phá trong việc thu hút lá phiếu cử tri. Trong khi Đảng Bảo thủ cầm quyền bắt đầu chiến dịch tranh cử rầm rộ, đi đến từng gia đình cử tri để kêu gọi sự ủng hộ, thì Công đảng tập trung thu hút sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu thông qua những hứa hẹn cải cách kinh tế. Cương lĩnh tranh cử của Công đảng do ông E.Miliband lãnh đạo nhấn mạnh đến tăng lương tối thiểu, "đóng băng" thuế doanh nghiệp và giá năng lượng, chấm dứt tình trạng lạm dụng "hợp đồng không giờ" nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong khi đó, cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ Anh nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là loại bỏ thâm hụt tiến tới thặng dư ngân sách. Bên cạnh các ưu tiên khác như đầu tư lớn cho Dịch vụ Y tế quốc gia, đảng của đương kim Thủ tướng D.Cameron cam kết chú trọng xây dựng thêm nhà ở cho những người mua nhà lần đầu, mở thêm trường học miễn phí, miễn thuế thu nhập cho người nhận lương tối thiểu.
Kết quả khó đoán định
Hiện, sự chênh lệch ủng hộ giữa Công đảng và đảng Bảo thủ đến nay là không đáng kể. Mặc dù tình hình kinh tế sáng sủa của Anh trên nền bức tranh u ám của kinh tế khu vực thời gian qua là “điểm cộng” quan trọng để Thủ tướng D.Cameron và chính đảng của ông giành ưu thế trong cuộc đua này, song Chính phủ và đảng Bảo thủ cầm quyền cũng nhận không ít chỉ trích từ các đảng phái đối lập, bởi sự phục hồi kinh tế vẫn chưa giúp đời sống người dân Anh được cải thiện nhiều. Trong 5 năm qua, để đạt mục tiêu cân bằng ngân sách, Chính phủ đảng Bảo thủ đã phải thực hiện nghiêm ngặt chính sách khắc khổ với nhiều khoản cắt giảm phúc lợi xã hội. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến một bộ phận đời sống người dân. Công đảng đã nắm lấy những "điểm trừ" này để công kích đảng Bảo thủ gây ra "cuộc khủng hoảng chất lượng sống" ở Anh và kêu gọi cử tri làm một cuộc thay đổi. Tuy vậy, cương lĩnh tranh cử của Công đảng lại khiến không ít người nghi ngờ về khả năng đảng này giải quyết được cuộc khủng hoảng mà không dẫm vào vết xe đổ của quá khứ vay mượn và chi tiêu tràn lan.
Một vấn đề cử tri quan tâm khác là việc Anh nên đi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU). Một bộ phận không nhỏ người dân Anh đang ngày càng tỏ rõ sự không hài lòng với cách Ủy ban Châu Âu (EC) điều hành họ. Nhiều người Anh có lý do để tin rằng vị thế và ảnh hưởng quốc tế của họ không thể bị ảnh hưởng bởi thực tế Anh có khá nhiều quyền lực riêng của mình. Chính vì vậy, để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri, Đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng Anh D.Cameron cam kết nếu tái cử sẽ cho trưng cầu dân ý trong năm 2017 về việc Anh có rời khỏi EU hay không. Cương lĩnh tranh cử đảng Bảo thủ chỉ ra rằng nếu ra khỏi EU, Anh sẽ có quyền tự do thành lập thỏa thuận thương mại với các nước khác, sử dụng nguồn lực của Anh cho công dân Anh, kiểm soát biên giới quốc gia, cải thiện nền kinh tế và tạo thêm việc làm, khôi phục các ngành nghề thế mạnh. Trong khi đó, Công đảng với đại diện là ông E.Miliband lại xác định ngay từ đầu là nếu Công đảng trở lại nắm quyền thì câu hỏi về tương lai của Anh trong EU sẽ không đặt ra.
Giới phân tích cho rằng bất luận đảng nào trở thành đảng lớn nhất sau cuộc bầu cử ngày 7/5 thì các cuộc thương lượng nhằm thành lập chính phủ mới cũng sẽ diễn ra bởi không có đảng nào giành chiến thắng đa số để độc lập thành lập chính phủ. Song, chắc chắn một điều sẽ có bước chuyển chính trị quan trọng ở quốc đảo sương mù này. Lẽ đương nhiên, chính phủ mới phải thực hiện cam kết với cử tri, định hình con đường phát triển mới của đất nước trong thời gian tới./.