(VOV5) - Ngày 9/6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức thông báo ngừng hoạt động của các đường dây liên lạc quân sự và chính trị với Hàn Quốc.
Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên những ngày qua rơi vào trạng thái “đóng băng” sau khi Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tuyên bố “cắt đứt” đường dây liên lạc tại Văn phòng Liên lạc liên Triều cùng các đường dây nóng giữa quân đội và Văn phòng Tổng thống của hai nước. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi liên lạc chính thức giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Một lần nữa, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lại đứng trước những thử thách mới, khó lường.
Ảnh minh họa: toquoc
|
Ngày 9/6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức thông báo ngừng hoạt động của các đường dây liên lạc quân sự và chính trị với Hàn Quốc, sau nhiều lần cảnh báo, để phản đối việc Seoul không ngăn chặn hành động thả bóng bay tuyên truyền chống phá Triều Tiên tại khu vực biên giới.
Diễn biến mới này đã đi ngược lại những nỗ lực gần đây nhằm duy trì sự ổn định của mối quan hệ liên Triều, đặc biệt trong bối cảnh hai bên đang tiến tới kỷ niệm ngày đặc biệt 15/6, mốc thời gian đánh dấu kỷ niệm 20 năm kể từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2000.
Nỗ lực tan băng thất bại
Việc phát tờ rơi từ lâu đã gây nên căng thẳng liên Triều. Đối với Triều Tiên, việc phát hành tờ rơi chống Bình Nhưỡng là một dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc coi Triều Tiên là kẻ thù, và theo đó, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ coi Seoul là kẻ thù để đáp trả.
Động thái của Triều Tiên cho thấy, mối quan hệ liên Triều đang đối mặt với sóng gió mới. Trước đó vài ngày, Triều Tiên đã chỉ trích và đe dọa đóng cửa Văn phòng Liên lạc liên Triều và ngụ ý sẽ có các biện pháp cứng rắn khác nếu Hàn Quốc không có hành động ngăn chặn những kẻ đào tẩu rải truyền đơn chống phá Triều Tiên ở khu vực biên giới hai nước.
Sự việc phát tờ rơi thực tế đã vi phạm Tuyên bố chung liên Triều tháng 9/2018 nhằm ngăn chặn mọi hành vi thù địch. Tuy nhiên, những vết rạn nứt trong quan hệ hai miền Triều Tiên đã xuất hiện sớm hơn trước đó, đặc biệt kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 thất bại, các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ rơi vào bế tắc. Bình Nhưỡng liên tục thể hiện thái độ lạnh nhạt với Seoul như: bắt đầu chiến dịch thử nghiệm tên lửa tầm ngắn, từ chối các đề xuất viện trợ gạo của Hàn Quốc, dỡ bỏ cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc tại Khu du lịch núi Kumgang, chỉ trích các cuộc tập trận của Hàn Quốc…Với cách tiếp cận đó trong suốt hơn một năm qua, việc Bình Nhưỡng chỉ trích gay gắt Hàn Quốc trong các chiến dịch rải truyền đơn dọc khu vực biên giới chỉ là một phần trong chuỗi căng thẳng gần đây.
Tương lai bất định của quan hệ liên Triều
Từ những năm 1970, Hàn Quốc và Triều Tiên thiết lập ít nhất 49 đường dây nóng để sắp xếp các cuộc đàm phán ngoại giao, xuống thang các hoạt động quân sự, điều phối giao thông đường hàng không và đường biển, tổ chức các cuộc thảo luận nhân đạo và hợp tác về các vấn đề kinh tế. Hàn Quốc coi hệ thống đường dây liên lạc này như một phương thức quan trọng để hóa giải những hiểu lầm trong các sự kiện khủng hoảng. Năm 2016, đường dây liên lạc liên Triều ngưng hoạt động. Đến năm 2018, đường dây khôi phục khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un triển khai một loạt động thái "phá băng" ngoại giao sau 2 năm căng thẳng bởi các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo, hạt nhân và khẩu chiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mặc dù hai miền Triều Tiên đã không liên lạc với nhau kể từ đầu tháng 1/2019 do đại dịch Covid-19, thế nhưng những động thái mới của Bình Nhưỡng lần này đang khắc sâu căng thẳng, vào đúng thời điểm Tổng thống Moon Jae-in rất kỳ vọng để hâm nóng mối quan hệ. Nhiều chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng Triều Tiên có thể đang cố tình tạo ra căng thẳng để gây áp lực đàm phán cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ. Động thái của Triều Tiên không chỉ liên quan tới vấn đề các nhà hoạt động phát tán truyền đơn chống Triều Tiên từ phía biên giới Hàn Quốc, mà đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Bình Nhưỡng.
Bất chấp những động thái căng thẳng từ Bình Nhưỡng, Seoul thời gian qua vẫn tiếp tục duy trì sự kiên nhẫn, xoa dịu căng thẳng như đề xuất Liên hợp quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, nỗ lực dập tắt những tin đồn về tình trạng sức khỏe của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua…
Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay, rõ ràng sự tức giận của Triều Tiên với Seoul khó có thể nguôi ngoai trong “một sớm một chiều”. Sự đổ vỡ trong quan hệ liên Triều sẽ không nhanh chóng tan đi như mong đợi. Điều này khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn và căng thẳng giữa hai bên tiếp tục kéo dài.