Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Bước qua sóng gió

(VOV5) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang có chuyến công du tới Liên bang Nga.


Chuyến thăm thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế ngay từ khi chưa bắt đầu bởi diễn ra sau hàng loạt những sóng gió gần đây trong quan hệ giữa hai quốc gia vốn nhiều thăng trầm. Chuyến thăm, được coi là cơ hội để hai bên xích lại gần nhau, thiết lập lại mối quan hệ lâu dài dựa trên những lợi ích chung.

 

Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Bước qua sóng gió - ảnh 1
Tổng thống Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Tayyip Erdogan (phải) tại cuộc hội đàm ở Saint Peterburg. AFP/ TTXVN



Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết phải bình thường hóa quan hệ. Hai bên thảo luận vấn đề bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu lương thực của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga; nối lại giao thông hàng không, dự án đường ống dẫn khí đốt; về cuộc xung đột Syria, cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề khác. Phía Nga khẳng định sẽ từng bước hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ưu tiên của Nga là khôi phục lại mối quan hệ giữa hai nước ở mức như trước giai đoạn khủng hoảng. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ song phương.

 

Chuyến thăm phá tan băng

 

Chuyến đi của ông Erdogan đến Nga cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch đàn áp quân đảo chính của Tổng thống R.Erdogan khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây trở nên căng thẳng. Sau đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các đồng minh phương Tây không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn cáo buộc một số nước phương Tây “hậu thuẫn” các phần tử đảo chính. Tuy nhiên, phản ứng của Nga hoàn toàn trái ngược với những phản ứng từ các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ khi không hề có bất kỳ chỉ trích nào đối với chiến dịch thanh trừng sau đảo chính của Tổng thống R.Erdogan. Nga là một trong những nước đầu tiên công khai bày tỏ ủng hộ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính bất thành tại quốc gia này vào ngày 15/7 vừa qua. Chính vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Nga để cải thiện quan hệ song phương trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn dễ hiểu.

 

Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Bước qua sóng gió - ảnh 2
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan trong cuộc hội đàm. EPA/TTXVN



Tháng 11/2015, việc phi công Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga ở vùng biên giới Syria đã đẩy quan hệ hai nước rơi vào tình trạng hết sức căng thẳng, kéo theo hàng loạt động thái trả đũa của hai bên. Trong khi Moscow áp đặt các lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ thì Ankara cũng ra lệnh cấm khách du lịch Nga tới nước này. Tuy nhiên, căng thẳng đã được cải thiện sau khi Tổng thống R.Erdogan công khai xin lỗi về vụ việc. Ngay trước thềm chuyến thăm, để thể hiện thiện chí, giới chức truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho phép người dân truy cập trở lại trang báo mạng nổi tiếng Sputnick của Nga, từng bị cấm vào tháng 4/2016.

 

Xích lại gần nhau vì lợi ích chung

Trong bối cảnh quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây căng thẳng sau đảo chính bất thành, triển vọng về một giai đoạn mới cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đang ngày một lớn. Mặc dù hai bên luôn cạnh tranh với nhau về tầm ảnh hưởng ở vùng biển Đen chiến lược và khu vực Trung Đông, nhưng cả Moscow và Ankara đều nỗ lực ngăn chặn những tranh cãi xung quanh vấn đề Syria và Ukraine làm tổn hại đến mối quan hệ hợp tác chiến lược trong những vấn đề như đường ống dẫn khí đốt TurkStream và nhà máy điện hạt nhân do Nga đầu tư xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là hợp tác về kinh tế, thương mại. Trước thời điểm chiếc máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD. Việc ngừng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó đã khiến Nga bị thiệt hại đáng kể đúng vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin phải hứng chịu sức ép kinh tế nặng nề do chính sách "bao vây" của phương Tây cũng như giá dầu lao dốc làm "bốc hơi" ngân sách khoảng 150 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với những nguy cơ về an ninh và bất ổn chính trị. Riêng nửa đầu năm nay, 7 vụ đánh bom khủng bố lớn tại thành phố Ankara và Istanbul đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Cuộc xung đột kéo dài với cộng đồng người Kurd, vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40.000 người, đang có dấu hiệu leo thang nghiêm trọng. Xung đột chính trị nội bộ dai dẳng cùng những cuộc tranh giành quyền lực dẫn tới việc thay đổi Chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 vừa qua. Vì thế, cải thiện quan hệ với Nga giúp Thổ Nhĩ Kỳ không tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Cải thiện quan hệ với Moscow còn hứa hẹn mang lại những lợi ích đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Theo thống kê, trong thời gian bị Nga trừng phạt, chỉ riêng ngành Du lịch, vốn đóng góp tới 4,5% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chịu tổn thất rất nghiêm trọng. Do đó, Tổng thống R.Erdogan hy vọng, quay trở lại với Nga sẽ đem lại những lợi ích kinh tế khó có thể nhận được từ bất kỳ nước nào khác. Đổi lại, Nga cũng nhận được những lợi ích kinh tế không nhỏ từ sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ nhất là lĩnh vực xuất khẩu khí đốt.

 

Chuyến công du Nga của Tổng thống R.Erdogan lần này thể hiện rõ mối quan tâm và thành ý của Ankara trong việc khôi phục hợp tác với Moscow. Những sóng gió vừa qua giữa hai nước vốn là đồng minh với nhau đã lùi lại phía sau, vì lợi ích của mỗi bên trong bối cảnh chung của thế giới đầy bất ổn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác