(VOV5) - Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2013, là hành lang pháp lý quan trọng, tạo môi trường để internet phát triển lành mạnh ở Việt Nam. Đáng tiếc là đại sứ quán Mỹ tại Hà nội mới đây đã ra thông cáo báo chí về sự kiện này và bày tỏ một sự “ quan ngại” đến là vô lý về Nghị định 72. Sự “ quan ngại” của Đại sứ quán Hoa kỳ có cần thiết và có xuất phát từ thực tế đáng bàn về tự do ngôn luận ở Việt Nam?
Một tuần sau khi Nghị định 72 của Việt Nam chính thức có hiệu lực, ngày 6-9-2013, Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà nội phát đi cái gọi là Thông cáo báo chí, trong đó có viết: “ Nghị định 72 dường như trái với nghĩa vụ của Việt Nam trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như những cam kết của Việt Nam trong Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các quy định của Nghị định vì dường như nó hạn chế các loại hình thông tin mà cá nhân có thể chia sẻ thông qua tài khoản mạng xã hội cá nhân và trên các trang web. Ngoài ra, Nghị định này sẽ hạn chế sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin đang hé nở của Việt Nam bằng việc kiềm chế sự đổi mới trong nước và ngăn cản đầu tư nước ngoài”...
Nếu không nghe dư luận nhiều chiều, hẳn sẽ không thấy sự vô lý của Đại sứ quán Hoa kỳ trong cái gọi là Thông cáo báo chí nêu trên. Cần biết là cùng thời điểm Đại sứ quán Hoa kỳ phát đi thông cáo báo chí về Nghị định 72, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” đã thông tin rất rõ về những điểm nổi bật của Nghị định này. Theo đó, Nghị định 72 đưa ra những nội dung mới, bám sát nguyên tắc phát triển đi đôi với quản lý, động viên, khích lệ người dân cung cấp, tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng, phát triển các loại hình thông tin trên mạng như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Nghị định cũng tạo điều kiện cho người dân trong việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới trên cơ sở bảo đảm đúng pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng và các biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng internet, sử dụng thông tin trên mạng. Và vì vậy, Nghị định 72 không trái với những nghĩa vụ của VN trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như những cam kết của VN trong Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền, như Thông cáo báo chí mà Đại sứ quán Mỹ tại Hà nội, đề cập. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định: “Mọi quốc gia trên thế giới đều coi trọng tự do ngôn luận, đều có những quy định đảm bảo quyền tự do ngôn luận của con người. Nhưng không một quốc gia nào coi quyền tự do ngôn luận là vô hạn, mà luôn đặt trong khuôn khổ luật pháp. Tự do ngôn luận được bảo vệ khi nó không phương hại đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72. Đây là Nghị định rất quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý, cũng như động lực thúc đẩy phát triển internet và cung cấp, sử dụng dịch vụ trên internet cũng như mạng xã hội”.
|
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà nội bày tỏ cái gọi là sự “quan ngại” về các quy định của Nghị định 72, cho rằng nó hạn chế các loại hình thông tin mà cá nhân có thể chia sẻ thông qua tài khoản mạng xã hội cá nhân và trên các trang web. Về điều này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nêu rõ: “Như chúng ta đã biết, trong Nghị định 72, điều 20 đã ghi rất rõ về những khái niệm, phân biệt rõ nội dung của những trang thông tin điện tử đang hoạt động hiện nay. Nghị định không cấm cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin của cá nhân mình đối với xã hội, chỉ cấm không được thực hiện cung cấp thông tin tổng hợp và ngay cả việc cung cấp thông tin tổng hợp này thì kể cả khoản 3 về trang thông tin nội bộ và khoản 5 về trang thông tin ứng dụng chuyên ngành cũng không được thông tin tổng hợp.Về quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng internet, điều 23 nói về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng trang mạng xã hội cũng không có điều nào cấm chúng ta truy cập và khai thác, tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên mạng”.
Nghị định 72 với những điều khoản rõ ràng chính là công cụ hướng dẫn người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin. Và vì thế, Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam không cần nhọc công “quan ngại” về Nghị định này. Điều đáng tiếc là khi phát đi bản thông cáo báo chí về Nghị định 72, Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà nội đã tiếp cận tự do internet ở Việt Nam bằng tiêu chuẩn kép. Với vụ việc Edward Snowden mới đây, cả thế giới đang biết rằng Hoa kỳ đang quản lý chặt chẽ đối với internet hoặc sử dụng thành tựu văn minh này để phục vụ các mục đích, lợi ích chính trị, kinh tế riêng. Ấy vậy mà Đại sứ quán Hoa kỳ lại đề cao cái gọi là “quyền tự do ngôn luận” nằm ngoài khuôn khổ pháp luật Việt Nam, khi nói rằng “các quyền tự do cơ bản áp dụng trong không gian mạng cũng giống như trong đời sống thật” và lớn tiếng kêu “kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận”!
Việc quản lý internet bằng pháp luật không chỉ có ở Hoa kỳ, mà còn có ở Trung Quốc, Hàn quốc, Ấn độ, Iran, Singapore…. Như mọi quốc gia khác, Việt Nam cũng có những quy định pháp luật phù hợp với luật pháp quốc tế và thuần phong mỹ tục quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển internet và bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Trong bối cảnh như vậy, Thông cáo báo chí về Nghị định 72 của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà Nội là sự can thiệp vô lý vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việc làm này vô tình hay hữu ý, đã tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng, xuyên tạc các quan điểm, chính sách, pháp luật đúng đắn của Việt Nam./.