(VOV5) - Tháng 12/1978, trước lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân và dân Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến hành các cuộc tấn công Khmer Đỏ, giải phóng hoàn toàn Campuchia.
Ngày 7/1 cách đây đúng 40 năm, đất nước Campuchia đã hoàn toàn giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Polpot, một chế độ diệt chủng loài người được đánh giá dã man nhất trong lịch sử thế kỷ 20, mở ra một kỷ nguyên hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp. Trong thắng lợi đó, tinh thần quốc tế cao cả, trách nhiệm với đồng loại của nhân dân Việt Nam cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. - Ảnh: TTXVN |
Tháng 12/1978, trước lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân và dân Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến hành các cuộc tấn công Khmer Đỏ, giải phóng hoàn toàn Campuchia, chấm dứt thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Campuchia, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Giúp nước bạn hồi sinh
Ngay sau khi giải phóng đất nước Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia mạnh mẽ trong việc tổ chức chính quyền, xây dựng quyền lực nhà nước tại cơ sở và cử nhiều chuyên gia kỹ thuật để cải tạo và xây dựng đất nước Campuchia mới, cũng như giúp bảo vệ, ngăn chặn, không cho chế độ diệt chủng quay trở lại đất nước này. Theo tài liệu từ Viện Phát triển và Hòa bình Campuchia, hệ thống kinh tế Campuchia hoàn toàn bị phá hủy dưới chế độ Polpot, không có thị trường, không có thương mại, không có tiền và không hoạt động kinh tế nào ngoài giết chóc và tra tấn. Đó được coi là “năm thứ 0” và Campuchia phải bắt đầu lại tất cả mọi thứ từ 1979. Bản thân Việt Nam cũng vừa bước ra sau 2 cuộc chiến tranh. Nhưng với tinh thần giúp đỡ vô tư, trong sáng, không chỉ san sẻ vật chất, Việt Nam còn giúp Campuchia đấu tranh chính trị, pháp lí, nghị trường, ngoại giao...
Sau 20 năm, Việt Nam đã hoàn thành một cách trọn vẹn mục tiêu chiến lược là: loại trừ hoàn toàn Khmer đỏ, đem lại hòa bình và phát triển cho nhân dân Campuchia, giúp Campuchia thiết lập quan hệ tốt đẹp với các nước. Không chỉ chấm dứt nguy cơ nội chiến, chính phủ Campuchia mới đưa đất nước chính thức tái hội nhập vào thế giới, đánh dấu bằng sự kiện Campuchia được kết nạp vào ASEAN năm 1999 tại Hà Nội. Việt Nam không chỉ trao cho Campuchia cuộc sống, cơm áo, hòa bình mà quan trọng nhất là trao cho đất nước này quyền độc lập, tự chủ. Quan hệ hai nước dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, coi nhau như anh em.
Tinh thần quốc tế cao cả và trách nhiệm với đồng loại
Hàng năm, mỗi dịp đất nước Chùa Tháp kỷ niệm ngày thoát khỏi chế độ diệt chủng, hay mỗi khi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia đều không quên bày tỏ sự tri ân đối với Đảng, nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen đã từng nhiều lần nhấn mạnh: Công lao vĩ đại này sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử Campuchia.
Ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (phải) và ông Tuan Sarath, Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia ký thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia giai đoạn 2018-2020. |
Mặc dù thời gian qua, trên thế giới còn có những nhận định, đánh giá khác nhau về cuộc chiến tranh này, nhưng đến nay, qua 40 năm, những sự kiện lịch sử ngày càng được sáng tỏ. Những nghĩa cử trong sáng và sự hy sinh cao đẹp của Việt Nam trong việc cứu giúp cả một dân tộc thoát khỏi thảm họa diệt chủng là điều không ai có thể phủ nhận. Trong một bài viết đăng tải trên tờ Chicago Tribune (Mỹ) năm 1990, bài viết khẳng định rằng chính Việt Nam đã có công chấm dứt tội ác bạo tàn của chế độ Khmer Đỏ, lật đổ Polpot và chế độ man rợ của hắn trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Theo bài viết, việc Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia là một bước tiến trong việc duy trì hòa bình ở khu vực Đông Dương. Thời báo Canberra của Australia số ra ngày 19/31989 đánh giá: “Ai cũng phải thừa nhận là việc Việt Nam vào Campuchia đã đem lại kết quả rõ ràng. Hành động đó đã được nhân dân Campuchia ở khắp nơi chào đón như là sự giải phóng cho họ. Và ai cũng thấy rõ ràng là sở dĩ từ trước đến nay, Khmer Đỏ không thể trở lại được PhnomPenh chủ yếu vì sự có mặt của Việt Nam”.
Đặc biệt, gần đây, phiên tòa bất thường trong hệ thống Tòa án của Campuchia dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc đã ra phán quyết các cựu thủ lĩnh Khieu Samphan và Nuon Chea của Tập đoàn diệt chủng Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại. Đây chính là sự thừa nhận của quốc tế về sự chính nghĩa của Việt Nam đối với cuộc chiến chính nghĩa này.
Xu hướng chung của thế giới hiện nay là hòa bình, nhân ái và hòa hợp, con người được đặt ở vị trí trung tâm. Đó cũng chính là xu hướng và là mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Vậy việc Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé, đã làm được một việc vĩ đại là cứu cả một dân tộc khỏi họa diệt chủng, đem đến hòa bình cho một quốc gia, một nền hòa bình, độc lập và tự chủ chứ không phải nền hòa bình phụ thuộc, chính là thực hiện mục tiêu cao cả mà cả thế giới đang hướng đến, đó là giành lại quyền được sống, quyền làm người.