(VOV5) - Sáng1/7, liên minh cầm quyền tại Nhật Bản gồm Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Công minh đạt thỏa thuận chính thức cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể.
Thỏa thuận này mở đường cho chính phủ Nhật Bản thông qua Nghị quyết giải thích lại Hiến pháp hòa bình 1947. Đây là sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách an ninh của Nhật Bản kể từ khi lực lượng vũ trang Nhật Bản thành lập năm 1954.
|
Thủ tướng Nhật Ban Shinzo Abe với bài phát biểu chủ chốt tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (IISS) lần thứ 13, hôm 30/5. Ảnh: EPA |
Từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, hay còn gọi là Hiến pháp hòa bình năm 1947, quy định: Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ phát động chiến tranh bằng quyền lực nhà nước, không duy trì lục, hải, không quân và các lực lượng chiến tranh khác, không thừa nhận quyền giao chiến của nhà nước.
Gần 7 thập kỷ sau thế chiến, lệnh cấm này đang kìm hãm Tokyo trong việc đảm bảo an ninh của quốc gia cũng như tham gia bảo đảm an ninh khu vực. Trước thực tế trên, Chính phủ Nhật Bản muốn giải thích lại Điều 9 của Hiến pháp hòa bình nhằm tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên cách hiểu này phải được sự tán thành của ít nhất 2/3 số thành viên trong Quốc hội Nhật Bản và sau đó là đa số ý kiến tán thành của người dân trong cuộc trưng cầu dân ý quốc gia.
Chủ động bảo vệ an ninh quốc gia
Trước những thay đổi căn bản của cục diện thế giới, sự cạnh tranh sức mạnh của các cường quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, việc giải thích lại Hiến pháp hòa bình được cho là sẽ mở rộng đáng kể khả năng quân sự của Nhật Bản bằng cách hủy bỏ lệnh cấm thực hiện quyền tự vệ tập thể hay được phép hỗ trợ một nước đồng minh đang bị tấn công. Như vậy, Nhật Bản có thể sử dụng quân sự ở mức tối thiểu trong các trường hợp đồng minh của họ bị tấn công và cuộc tấn công này có đủ các yếu tố như đe dọa tới sự tồn vong của nước Nhật, đe dọa trực tiếp đối với quyền được sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc của người dân Nhật. Việc thay đổi Hiến pháp cũng nới lỏng những hạn chế đối với các hoạt động của Nhật Bản trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và đối phó với các cuộc xung đột ở cường độ thấp mà Nhật Bản gọi là tình huống vùng xám.
Việc Tokyo có thể tham gia nhiều hơn các hoạt động quân sự trong khu vực được coi là bước chuyển lớn đối với cán cân an ninh châu Á. Giáo sư Alan Dupont của ĐH New South Wales (Australia) đánh giá rằng nếu có thể vượt qua được hệ thống chính trị Nhật, đây sẽ là thay đổi quan trọng nhất trong chính sách quốc phòng Nhật kể từ khi lực lượng phòng vệ được thành lập năm 1954. Theo nhà cựu ngoại giao Nhật Bản Kunihiko Miyake, Nhật Bản cuối cùng cũng bắt kịp được tiêu chuẩn toàn cầu về an ninh. Trong khi đó, chuyên gia về an ninh tại Trường Nghiên cứu chính sách quốc gia (GRIPS) ở Tokyo, Narushige Michishita, cho rằng thay đổi lớn đối với chính sách an ninh và quốc phòng Nhật sau Thế chiến về cơ bản sẽ giúp Nhật Bản tự bảo vệ mình.
Đồng minh ủng hộ, dư luận xã hội không đồng thuận
Cho đến nay, nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh của Nhật Bản ủng hộ kế hoạch giải thích lại Hiến pháp hòa bình. Mỹ ủng hộ vì muốn Nhật có vị thế cân bằng hơn trong liên minh quân sự Mỹ - Nhật. Tiếp đó là Australia, Phillipines cũng bày tỏ sự đồng tình. Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida, mới đây, tại Phnompenh, cũng cho rằng kế hoạch của Nhật Bản nhằm trao cho lực lượng phòng vệ nước này (SDF) vai trò lớn hơn sẽ góp phần duy trì hoà bình và sự ổn định trong cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ đề cao cảnh giác với các ý định thực sự của Nhật Bản. Seoul thì thừa nhận phòng vệ tập thể là một quyền quốc gia của Tokyo nhưng không chấp nhận việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) can thiệp trong một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên mà không có đề nghị trực tiếp từ Hàn Quốc.
Việc giải thích lại Hiến pháp hòa bình gây tranh cãi trong dư luận Nhật Bản bất chấp việc Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục là một quốc gia hoà bình và Lực lượng phòng vệ (SDF) sẽ không can dự vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến người dân Nhật gần đây cho thấy ít nhất phân nửa những người tham gia khảo sát phản đối kế hoạch này. Theo kết quả điều tra do nhật báo Mainichi (Nhật Bản) tiến hành cuối tuần qua, 58% người tham gia phản đối. Kết quả khảo sát của Nhật báo Nikkei hôm 29/6 cũng cho thấy ½ người dân Nhật phản đối bỏ lệnh cấm quân đội tham chiến ở nước ngoài. Lý do là dân chúng lo ngại rằng phạm vi thực thi quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản sẽ mở rộng ngay khi lệnh cấm này được dỡ bỏ. Một ngày trước khi liên minh cầm quyền nhóm họp, đông đảo người biểu tình Nhật Bản tổ chức tuần hành, mang theo các biểu ngữ Chúng tôi chống chiến tranh.
Việc các chính đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản nhất trí về một sửa đổi lớn trong chính sách an ninh thời hậu chiến là thuân lợi ban đầu cho Thủ tướng Shinzo Abe trong việc hiện thực hóa kế hoạch chủ động bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên để nhận được sự đồng tình của người dân là thách thức không dễ vượt qua đối với liên minh cầm quyền trong thời gian tới./.