(VOV5) - Hôm nay 15/3, tròn 5 năm ngày bùng phát cuộc xung đột tại Syria và nhanh chóng nhấn chìm quốc gia này trong nội chiến. Từ một quốc gia khá yên bình và phát triển ở khu vực Trung Đông, sau 5 năm nội chiến, Syria đã bị tàn phá nặng nề về mọi mặt. Nhiều cơ hội hòa bình đã bị bỏ lỡ.
|
Cảnh tượng tan hoang ở TP Homs, phía tây Syria sau 5 năm nội chiến. Ảnh: AP |
Khởi phát từ làn sóng biểu tình hoà bình trước khi leo thang thành một cuộc nội chiến đẫm máu, cuộc nổi dậy ở Syria đã trở thành cuộc chiến đẫm máu trong số các cuộc cách mạng Mùa Xuân Arab ở Trung Đông và Bắc Phi.
Thiệt hại nặng nề
Theo Liên hợp quốc (LHQ), có khoảng 270.000 người đã thiệt mạng và hơn một triệu người bị thương trong nội chiến tại Syria 5 năm qua nhưng các quan chức thừa nhận con số chính thức còn cao hơn. Xung đột đã khiến gần một nửa dân số Syria (23 triệu người) dời bỏ nhà cửa. Cơ quan tị nạn LHQ cho biết có 4,8 triệu người Syria đã chạy sang các nước khác để tránh chiến tranh, gây ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất từ trước đến nay cho Châu Âu. Phần lớn dân số còn lại đang cần sự hỗ trợ nhân đạo. Nhiều thành phố bị tàn phá, trong đó có Aleppo, thành phố lớn nhất và từng là trung tâm thương mại của Syria. Homs, thành phố lớn thứ ba Syria, gần như không có người ở. Các nhà thờ Hồi giáo với kiến trúc độc đáo chìm trong đống đổ nát. Hầu như tất cả các di sản thế giới của Syria được UNESCO công nhận đã bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, bao gồm cả lâu đài Cracdes Chevaliers, một trong những lâu đài thời trung cổ được bảo tồn toàn diện nhất trên thế giới.
Nền kinh tế Syria cũng bị tác động nặng nề khi thiệt hại đến gần 60%, trong khi các chuyên gia dự báo tỉ lệ lạm phát tại quốc gia Trung Đông này sẽ lên mức 27,77% vào cuối tháng 3/2016.
Ảnh hưởng tới nhiều quốc gia
Nội chiến Syria không những tàn phá Syria mà thay đổi cả thế giới. Kinh tế nhiều nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq cũng bị ảnh hưởng lớn vì người tị nạn Syria. Vốn đã sẵn thiệt hại về kinh tế trước đó, ảnh hưởng nội chiến Syria càng khiến các nước thêm áp lực. Số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy hơn 630.000 người tị nạn Syria làm Jordan mất hơn 2,5 tỉ USD/năm. Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ thì tuyên bố đã không còn khả năng lo cho người tị nạn Syria. Xung đột ở Syria cũng khiến căng thẳng sắc tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau khi hình thành căn cứ quan trọng ở thành phố Raqqa (Syria), năm 2014, đã mở rộng địa bàn qua Iraq, từ đó kiểm soát được một khu vực rộng lớn thuộc một số quốc gia ở Trung Đông.
Nỗ lực đàm phán để có hòa bình
Nhiều giải pháp nhằm chấm dứt xung đột tại Syria đã được xúc tiến thời gian qua, trong đó phải kể đến vòng đàm phán ở Geneva lần I (năm 2012) và lần II (năm 2014). Tuy nhiên cả 2 cơ hội này đã không được các bên tận dụng khi không tìm được tiếng nói chung về tương lai của Tổng thống Bashar al Assad. Cuối cùng, sau rất nhiều những nỗ lực và cả sự trì hoãn, vòng đàm phán hoà bình Syria thứ 3 ở Geneva cũng được khởi động. Giờ đây người dân Syria và dư luận đang trông chờ kết quả cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ đang diễn ra (bắt đầu từ 14/3). Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura cảnh báo nếu đàm phán lần này thất bại thì sẽ không có giải pháp thay thế nào để giải quyết xung đột tại Syria. Trước đó thỏa thuận ngừng bắn ở Syria cũng bắt đầu được thực hiện từ ngày 27/2 để tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo, đánh dấu cho nỗ lực ngoại giao quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Mặc dù đã có nhiều thay đổi kể từ vòng đàm phán trực tiếp cuối cùng giữa chính phủ Syria và phe đối lập bị đổ vỡ, trong đó có việc các bên đang thực thi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, song vấn đề tương lai của Tổng thống Bashar al Assad vẫn được cho là rào cản lớn khiến cuộc hòa đàm lần này khó đạt đột phá. Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tuyên bố kể cả ông Staffan de Mistura cũng "không có quyền" bàn về các cuộc bầu cử Tổng thống trong tương lai của Syria, mà quyền này chỉ dành cho người dân Syria. Trong khi đó, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC ),đại diện cho một liên minh rộng lớn gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria, cho rằng cuộc đàm phán lần này cần tập trung vào việc thành lập một chính phủ quá độ và ông Assad phải từ bỏ quyền lực để bắt đầu giai đoạn quá độ này. Việc chính quyền Syria và phe đối lập tiếp tục tỏ ra không thoả hiệp, nhượng bộ sẽ ảnh hưởng tới vòng đàm phán lần này. Và như vậy, kịch bản của hai vòng đàm phán trước đó có khả năng tái diễn.
Đất nước Syria đã và đang phải trả giá đắt trong suốt 5 năm xung đột. Giờ đây người dân Syria đang mong muốn hòa bình hơn bao giờ hết. Nhưng họ lại không tự quyết định được số phận của mình mà phụ thuộc vào thiện chí và nỗ lực đàm phán của nhiều bên. Xem ra cơ hội về 1 nền hòa bình ở Syria vẫn rất mong manh.