(VOV5) - Việc Hội đồng Bảo an LHQ ngày 30/11 chính thức thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên được xem là động thái mạnh mẽ nhất từ trước tới nay đối với quốc gia này. Chính giới nhiều nước cũng như giới phân tích cho rằng phạm vi, lĩnh vực trừng phạt mà Nghị quyết đề cập sẽ đủ áp lực khiến CHDCND Triều Tiên phải giảm bớt các hành động gây căng thẳng trong khu vực và quay trở lại bàn đàm phán sáu bên. Tuy nhiên đây là điều không dễ dàng.
|
Các thành viên của HĐBA trong cuộc bỏ phiếungày 5/12. (Reuters) |
Nghị quyết mới của Hội đồng bảo an mang số 2321, liên quan đến vụ thử hạt nhân thứ 5, cũng là vụ thử hạt nhân lớn nhất của CHDCND Triều Tiên tiến hành hồi tháng 9 vừa qua. Nghị quyết dài 17 trang, được thông qua với 15 phiếu thuận và không có phiếu chống. Đây là nghị quyết trừng phạt thứ 6 của Hội đồng bảo an LHQ đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Tập trung trừng phạt những lĩnh vực có nguồn thu ngoại tệ lớn
Mục đích trừng phạt mà Nghị quyết 2321 hướng tới là nhằm làm suy yếu nền kinh tế của CHDCDND Triều Tiên. Cụ thể, 15 quốc gia thành viên HĐBA quyết định áp lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp xuất khẩu hàng đầu của CHDCND Triều Tiên là than đá, gây sức ép lên Bình Nhưỡng bằng cách chặn đường xuất khẩu than đá của nước này dưới mức 400 triệu USD/năm hoặc 7,5 triệu tấn. Điều này tương đương với mục tiêu cắt giảm hơn 60% lượng xuất khẩu than đá hàng năm của CHDCND Triều Tiên. Sở dĩ than đá là lĩnh vực trọng tâm bị áp lệnh trừng phạt lần này của Hội đồng bảo an LHQ vì xuất khẩu than đá là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của CHDCDN Triều Tiên hiện nay.
Nghị quyết cũng bổ sung các loại khoáng sản như đồng, niken, bạc, kẽm vào danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu từ phía CHDCDND Triều Tiên, siết chặt lĩnh vực hàng hải và tài chính của nước này. Ước tính, gói các biện pháp trừng phạt mới sẽ khiến nguồn thu ngoại tệ của CHDCND Triều Tiên thất thu khoảng 800 triệu USD/ năm.
Bên cạnh vấn đề kinh tế, Nghị quyết mới cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số quan chức và tổ chức của CHDCND Triều Tiên bị tình nghi có dính líu đến chương trình hạt nhân của nước này. Tất cả những cá nhân và thành viên tổ chức này bị cấm đi lại trên toàn thế giới, tài sản bị đóng băng. Nghị quyết 2321 cũng cấm việc tài trợ cho các hoạt động giao thương với CHDCND Triều Tiên, kêu gọi thắt chặt việc kiểm tra hàng hóa của nước này.
Các quốc gia được LHQ yêu cầu giảm bớt số lượng nhân viên ngoại giao của CHDCND Triều Tiên tại nước mình và giới hạn số lượng tài khoản ngân hàng của các nhân viên ngoại giao. Bên cạnh đó, LHQ cũng cảnh báo có thể đình chỉ tư cách thành viên của CHDCND Triều Tiên nếu nước này tiếp tục vi phạm các điều khoản đưa ra.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết: Mỹ lạc quan về những kết quả mà nghị quyết mới này sẽ mang lại. Đây là nghị quyết trừng phạt mạnh mẽ đối với CHDCND Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá: Nghị quyết 2321 phản ánh mục đích của cộng đồng quốc tế tiến hành các biện pháp cứng rắn hơn và ở một tầm cỡ hoàn toàn khác so với các nghị quyết đã được thông qua trước đây.
Nghị quyết của Liên hợp quốc hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
Liên Hiệp Quốc bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên từ năm 2006. Bất chấp các biện pháp trừng phạt đa phương và đơn phương, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân kể từ đó đến nay. Tần suất các vụ thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân đặc biệt gia tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê, từ tháng 1/2016, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và ít nhất 25 vụ phóng có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, trong đó có cả phóng vệ tinh, phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và tên lửa đạn đạo tầm trung. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban ki moon nhấn mạnh số lượng vụ phóng này của CHDCND Triều Tiên "nhiều chưa từng thấy," là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực và cơ chế không phổ biến hạt nhân toàn cầu. Thực tế trên khiến Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban ki moon kêu gọi các quốc gia nghiêm túc thực hiện nghị quyết 2321. Theo ông, đây là điều cốt yếu trong việc đối phó với các thách thức an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như ở các khu vực khác.
Sau 3 tháng thảo luận, cuối cùng Hội đồng bảo an LHQ cũng nhất trí thông qua Nghị quyết trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên Liên hợp quốc vẫn để ngỏ cánh cửa cho CHDCND Triều Tiên để nước này ngồi vào bàn đàm phán và thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa bằng những hành động có kiểm chứng.