Tái khởi động “Dự án Dòng chảy phương Nam”: cần nỗ lực của các bên

(VOV5)- Dự kiến hôm nay (09/12),  những đối tác tham gia dự án “Dòng chảy phương Nam” lần đầu tiên nhóm họp tại Bỉ sau gần 2 tuần Tổng thống Nga Vladimir Putin đột ngột tuyên bố ngừng dự án khí đốt quan trọng này. Cuộc gặp nhằm tìm giải pháp thích hợp để tiếp tục triển khai dự án "Dòng chảy phương Nam" vì việc dừng dự án đều bất lợi cho các bên. Tuy nhiên một giải pháp khả thi xem ra khó có thể sớm đạt được.   

"Dòng chảy phương Nam" là tên của dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ do Tập đoàn Gazprom ( Nga) làm chủ đầu tư nhằm xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, xuyên qua Biển Đen, tới Trung và Nam Âu, gồm các quốc gia như Bulgaria, Serbia, Hungary, Hy Lạp, Slovenia, Croatia và Áo. Mục đích chính của đường ống này là kết nối trực tiếp Nga với châu Âu mà không qua Ukraine. Công suất ban đầu của đường ống này là nhằm đạt 63 tỷ m3 khí sau khi hoàn thành. Tuy nhiên ngày 1/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ngừng dự án "Dòng chảy phương Nam" để thay vào đó bằng tuyến đường ống mới chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, một nước không phải là thành viên EU.


Tái khởi động “Dự án Dòng chảy phương Nam”: cần nỗ lực của các bên - ảnh 1
Các đường ống khí đốt từ Nga đến phương Tây. Đồ họa: Itar-Tass

Thiệt hại cho nhiều bên

Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic cho biết Serbia sẽ bị thiệt hại lớn do nước này không có lựa chọn nào khác thay thế cho tuyến đường ống "Dòng chảy phương Nam" đưa khí đốt từ Nga sang, ngoài tuyến đường ống đi qua lãnh thổ Ukraine vốn chịu nhiều rủi ro do cuộc xung đột đang diễn ra. Serbia đã đầu tư vào dự án 30 triệu euro và có thể cũng nhận được ngần đó phí chuyển tải. Còn Áo đã xây dựng trên lãnh thổ nước mình các cơ sở lưu trữ dầu do đó mức thiệt hại ước tính sẽ lớn hơn.  Cựu Bộ trưởng Năng lượng Bulgarria Rumen Ovcharov thì tuyên bố nước này có thể bị mất đến 750 triệu USD/năm do dự án vận chuyển khí đốt bị ngừng lại. Trong khi Ngoại trưởng Hungary cho biết quốc gia này sẽ phải tìm kiếm nguồn khí tự nhiên khác để bù đắp cho nguồn cung từ đường ống dẫn khí đốt này.

 

Các tập đoàn kinh tế cũng thiệt hại không nhỏ. Theo Tập đoàn năng lượng Saipem của Italy, tập đoàn này sẽ thiệt hại khoảng 2 tỷ USD từ quyết định dừng dự án. Các công ty khác của Châu Âu cũng đầu tư ít nhất 2,5 tỷ USD vào dự án này trong khi tập đoàn Gazprom của Nga đầu tư gần 5 tỷ USD vào phần công trình trên lãnh thổ Nga.

 

Về lâu dài, quyết định dừng dự án “Dòng chảy phương Nam” không chỉ làm thay đổi bản đồ an ninh năng lượng châu Âu trong những năm tới mà còn tác động tới mối quan hệ Nga - EU cũng như tác động tới các vấn đề nội bộ của Châu Âu theo cách mà Brussel không mong muốn.

 

Dừng dự án do nguyên nhân chính trị và tài chính

Tổng thống Nga Putin lý giải quyết định ngừng dự án vì Nga không nhận được giấy phép xây dựng của Bulgaria khi phần việc được triển khai đến biên giới nước này. Theo Nga, Ủy ban châu Âu (EC) đã gây áp lực buộc Bulgaria phải trì hoãn cấp phép với lý do dự án "Dòng chảy phương Nam" vi phạm luật cạnh tranh và chính sách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của EU. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là EU muốn tránh phụ thuộc vào Nga nhất là trong bối cảnh 2 bên đang áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau.

 

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng chi phí ngày càng tăng cũng là một lý do dẫn tới việc ngừng dự án. Năm 2007, Gazprom ước tính dự án sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD nhưng tới năm 2014, con số này đã tăng lên khoảng 40 tỷ USD. Đây là khoản chi phí quá lớn đối với Gazprom trong bối cảnh còn nhiều dự án quan trọng đang chờ tập đoàn này triển khai. Nếu vẫn muốn duy trì dự án “Dòng chảy phương Nam”, Gazprom phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ Nga. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, điều này là không thể khi kinh tế Nga đang gặp khó khăn do lệnh trừng phạt của phương Tây. Hơn thế, nếu chuyển hướng đường ống đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Nam Âu thì Gazprom chỉ mất khoảng 10 tỷ USD đầu tư.

 

Cơ hội nào cho các bên?

Tiếp sau tuyên bố dừng dự án của Tổng thống Nga, ngày 6/12, tập đoàn Gazprom của Nga khẳng định không có ý định trở lại với dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" do các quan chức châu Âu không tạo cơ hội để có thể thực hiện.

 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả Bulgaria và Serbia đều chưa nhận được thông báo chính thức từ Nga. Chính phủ Nga vẫn chưa ra lệnh hủy Hiệp định liên Chính phủ với các nước tham gia dự án. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cũng không trả lời về khả năng ngừng các thỏa thuận. Thực tế cho đến nay, mới chỉ có Tổng thầu xây dựng - công ty Italia, Saipem nhận được thông báo đình chỉ dự án, đoạn đi qua biển của "Dòng chảy phương Nam".

 

Trong bối cảnh đó, ông Dmitry Baranov, chuyên gia hàng đầu của Công ty quản lý Quỹ đầu tư Finam, nói rằng dự án “Dòng chảy phương Nam” có thể sẽ được làm sống lại nếu như EU thay đổi quan điểm. Trong khi đó, Cao ủy phụ trách năng lượng EU Maros Sefcovic khẳng định EU không có ý định hủy cuộc gặp của những đối tác tham gia dự án “Dòng chảy phương Nam” dự kiến diễn ra ngày 9/12. Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov thì tuyên bố Bulgaria quyết định thúc đẩy xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" với việc cử Phó Thủ tướng Tomislav Donchev và Bộ trưởng Năng lượng Temenujka Petkov tới Brussels tham dự cuộc gặp giữa các bên.

 

Liệu dự án “Dòng chảy phương Nam” có được tiếp tục triển khai hay không? Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ thiện chí, nỗ lực tháo gỡ bất đồng của các bên./.  

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác