Nga, EU, Mỹ cần hướng đến đối thoại trong khủng hoảng ở Ukraine

(VOV5) - Trong khi những bất ổn ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì thế giới lại chứng kiến sự bùng phát mâu thuẫn được coi là lớn nhất giữa Nga với Liên minh châu Âu và Mỹ xung quanh việc Nga đưa quân vào nước cộng hoà tự trị Crimea thuộc Ukraine để bảo vệ công dân Nga. Diễn biến trên chính trường trong vài ngày qua đang khoét sâu thêm mối quan hệ vốn đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh lạnh.

 

Nga, EU, Mỹ cần hướng đến đối thoại trong khủng hoảng ở Ukraine - ảnh 1
Tình hình ở Ukraine có thể đã không đi tới chỗ bất ổn cao như hiện nay nếu như Chính phủ nước này có đủ ngân khố hoặc nền kinh tế nước này mạnh hơn - Ảnh: Getty

Liên tiếp những cuộc họp khẩn của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu; những cuộc điện đàm kéo dài giữa nguyên thủ nhiều nước phương Tây với Tổng thống Liên bang Nga Putin kèm theo đó là những cảnh báo được các bên đưa ra.


Phương Tây công bố một loạt các biện pháp trừng phạt
Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Catherine Ashton vừa cho biết EU đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với những nhân vật liên quan thông qua việc đình chỉ quan hệ hoặc không cấp thị thực đi lại trong EU. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì tuyên bố nếu Nga không nhanh chóng có những động thái đáng tin cậy thì sẽ phải lãnh hậu quả trong mối quan hệ với châu Âu. Những hậu quả ở đây ám chỉ cuộc đàm phán về nới lỏng thị thực với công dân Nga và về Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa Nga và EU, thậm chí cả việc phong toả tài khoản của các quan chức Nga.


Trong cuộc điện đàm 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cảnh báo việc Moscow từ chối rút các lực lượng vũ trang trở về căn cứ của mình ở Crimea "sẽ tác động xấu đến danh tiếng của Nga trên trường quốc tế" và "chắc chắn Nga sẽ tự chuốc lấy sự cô lập về chính trị và kinh tế sâu sắc hơn nữa. Sau cảnh báo trên, Washington đã tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán về thương mại và đầu tư với Moscow. Lầu Năm Góc cũng thông báo Mỹ ngừng tất các hợp tác quân sự với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó có các cuộc tập trận và thăm viếng cảng.

 

Về thương mại, Mỹ, Canada, Anh và Pháp cùng tuyên bố đình chỉ tiến trình tham gia chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh "G-8" tại Sochi (Nga) vào tháng 6 tới.

 

Trong khi đó, về phía NATO, Tổng Thư ký NATO Fogh Rasmussen cho rằng những diễn biến trong và xung quanh Ukraine có nguy cơ đe dọa các quốc gia thành viên NATO giáp giới Ukraine và có thể đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực châu Âu- Đại Tây Dương.

 

Phản ứng cứng rắn  từ phía Nga
Trước mọi diễn biến trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin lý giải lập trường của mình khi đưa quân vào Crimea không gì khác hơn là nhằm bảo vệ các công dân Nga đang bị đe dọa tính mạng trước mối hiểm họa có thể đến từ các phần tử dân tộc quá khích ở Ukraine. Theo ông Putin, những động thái cho tới nay của Nga đối với Ukraine là phù hợp, với mục đích nhằm ổn định tình hình theo hướng hoà bình.

 

Nga cũng cho rằng chỉ trích của NATO về các hoạt động của nước này tại Crimea sẽ không giúp ổn định tình hình tại Ukraine sau khi khối này cho rằng Moscow đã đe dọa hòa bình và an ninh tại châu Âu. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì chỉ trích gay gắt những đe dọa “trừng phạt và tẩy chay” mà phương Tây đưa ra vì vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Ukraine.

 

Điều quan trọng là cần sự đối thoại giữa các bên liên quan
Tuy đưa ra nhiều lời cảnh báo với Nga song thực tế nhiều quốc gia phương Tây không mấy kỳ vọng vào hiệu quả của những biện pháp này. Chủ tịch Tiểu ban châu Âu thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Chris Murphy cho rằng việc Mỹ áp đặt trừng phạt đơn phương sẽ ít có hiệu quả nếu không phối hợp với các hành động từ châu Âu. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khuyến cáo Tổng thống Barak Obama cân nhắc kỹ mọi phản ứng đối với Nga. Theo ông, Tổng thống Obama sẽ gặp khó khăn nếu các đồng minh của Mỹ ở châu Âu "lớn tiếng" nhưng không đi đôi với hành động mạnh mẽ. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thì thừa nhận việc đe dọa tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh G-8 tổ chức ở Nga là nực cười, không đủ sức răn đe. Đức cũng phản đối việc loại Nga khỏi G8 và kêu gọi các nước thành viên cân nhắc lại.

 

Ngoài ra khả năng Mỹ có thể áp đặt trừng phạt ngân hàng, phong tỏa tài chính của Nga, như đã từng làm với Iran, là khó có thể xảy ra vì nếu làm vậy, chính châu Âu sẽ phản đối đầu tiên bởi họ có nhiều quan hệ kinh tế mật thiết với Nga. Ngoại trưởng Luxemburg Jean Asselborn cho biết 25% lượng cung năng lượng cho châu Âu là từ Nga và mối quan hệ kinh tế giữa Nga và EU hiện quá khăng khít. Washington cũng không thể bỏ qua Nga trong việc giải quyết vấn đề Syria hay hồ sơ hạt nhân của Iran vì vai trò không nhỏ và không kém phần quan trọng của Nga trong nhiều vấn đề quốc tế.

 

Theo các nhà quan sát quốc tế, cuộc khủng hoảng Crimea chắc chắn sẽ trở thành "bất hòa" lớn nhất trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, việc tháo gỡ mối bất hoà này có lẽ không phải là đưa ra các biện pháp trừng phạt từ phía nào mà thay vào đó là đối thoại cởi mở và chân thành./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác