(VOV5) - Một điểm sáng hiếm hoi mà EU và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất được tại Hội nghị thượng đỉnh là hai bên (với sự hỗ trợ của NATO) sẽ ngay lập tức truy bắt những kẻ buôn người trên biển Egée, đưa người tỵ nạn lén lút từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp.
Sau 12 giờ đàm phán căng thẳng, tại Brussels (Bỉ), ngày 7/3, lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã không đưa ra được giải pháp khả thi nào để tháo gỡ cuộc khủng hoảng di dân lớn chưa từng có ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Thay vào đó, các bên chỉ thống nhất thảo luận thêm 10 ngày nữa, trước khi có thể đi đến ký một thỏa thuận cụ thể.
|
Khoảng 13.000 người di cư đang bị mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp-Macedonia. Ảnh: nguồn: Getty. |
Dự kiến ban đầu Hội nghị thượng đinh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ họp trong 3 giờ nhưng cuối cùng kéo dài 12 giờ đồng hồ mà chưa giải quyết tận gốc vấn đề của cuộc khủng hoảng di dân. Tại họp báo sau Hội nghị, các bên thông báo sẽ phải thảo luận thêm rồi mới có thể ký được thoả thuận chi tiết để ngăn người di cư vào châu Âu.
Đề xuất khó có tính khả thi của Thổ Nhĩ Kỳ
Đúng như dự đoán của giới phân tích trước Hội nghị, Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng triệt để lợi thế để đưa ra những đề nghị có lợi cho mình, đó là các nhà lãnh đạo EU đều đang dựa vào Ankara để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng di cư khi mà hầu hết người di cư đến châu Âu đều qua Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh, Ankara yêu cầu EU hỗ trợ thêm 3 tỉ euro trong 2 năm tới (ngoài con số 3 tỉ euro đã cam kết trước đó), áp dụng chế độ khu vực Schengen cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 (thay vì cuối năm) và đẩy nhanh thương thảo vấn đề nước này gia nhập EU.
Trước những đòi hỏi quá cao của Thổ Nhĩ Kỳ, xem ra EU khó có thể đáp ứng. Thay vì đưa ra quyết định cuối cùng, các nước châu Âu chỉ hứa có thể chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn con số 3 tỷ Euro để hỗ trợ nhân đạo cho người tỵ nạn nhưng không thể lên tới 6 tỷ. Con số cụ thể thì sẽ tiếp tục thảo luận. EU cũng sẽ tái khởi động đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu. Tuy nhiên ai cũng hiểu đây là chuyện không thể nhanh được, quá trình đàm phán có thể kéo dài nhiều năm.
Một điểm sáng hiếm hoi mà EU và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất được tại Hội nghị thượng đỉnh là hai bên (với sự hỗ trợ của NATO) sẽ ngay lập tức truy bắt những kẻ buôn người trên biển Egée, đưa người tỵ nạn lén lút từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp.
Hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã khép lại mà không có quyết định nào được đưa ra liên quan đến giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng di dân. Có thể thấy EU cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn là ngược lại. Vì vậy, mặc dù kết quả chưa đáp ứng yêu cầu của mỗi bên nhưng việc các nhà lãnh đạo EU ra tuyên bố hoan nghênh đề xuất của Ankara chứng tỏ khối này mong muốn đạt thỏa thuận ngăn người di cư vào châu Âu đến nhường nào, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang thử thách nghiêm trọng sự đoàn kết giữa các thành viên EU.
Thỏa thuận chi tiết còn ở phía trước
Như vậy, phải đợi tới Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ sắp tới của Liên minh châu Âu, dự kiến vào thứ năm và thứ sáu tuần sau (17 và 18/3), thì mới có thể biết là các nước châu Âu có thể dựa vào giải pháp Thổ Nhĩ Kỳ để điều tiết dòng người tỵ nạn tới châu Âu hay không. Tuy nhiên, ngay sau Hội nghị, đã xuất hiện lo ngại rằng việc EU chấp nhận các điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một tiền lệ nguy hiểm - những nguyên tắc dân chủ cốt lõi của khối trở thành “vật đổi chác”. Những người chỉ trích lo ngại EU bị mất uy tín nghiêm trọng nếu nhắm mắt đáp ứng các yêu cầu của Ankara. Trong khi đó, Giám đốc Cao Uỷ Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) châu Âu Vincent Cochetel cho biết trục xuất tập thể người nước ngoài bị cấm theo Công ước về Nhân quyền châu Âu, không phù hợp với pháp luật châu Âu và luật pháp quốc tế.
Về tư cách thành viên EU, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Martin Schulz tuyên bố việc gia nhập EU không được đưa ra làm điều kiện để Ankara thực thi những trách nhiệm của mình trong vấn đề di cư. Ông nhấn mạnh châu Âu sẽ phân biệt rõ ràng các cuộc đàm phán về gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Tuy nhiên với vị trí địa lý quan trọng, mọi nỗ lực của các nước EU trong việc kiểm soát biên giới đều sẽ vô ích nếu như không có cái bắt tay của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại trên đất Thổ Nhĩ Kỳ có đến gần 4 triệu người tị nạn Syria và chỉ cần chính quyền Ankara nới lỏng các biện pháp an ninh, số người này sẽ tìm mọi cách tràn sang Châu Âu, tạo nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.
Quyết định cuối cùng về đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được EU đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh tuần tới. Liệu có giải pháp dung hòa đáp ứng các yêu cầu của mỗi bên. Kết quả còn chờ ở các điều khoản chi tiết mà EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được ở Hội nghị 10 ngày tới.