(VOV5) - Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp đinh CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết manh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực ASEAN cũng như Châu Á - Thái Bình Dương.
Hôm nay, 12/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Sau khi tờ trình phê chuẩn Hiệp định CPTPP được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày trước Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều nhận định là một nước thành viên tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định CPTPP, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt cơ hội, song cũng đối mặt với không ít thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Ảnh: quochoi |
Hiệp định CPTPP với sự tham gia của 11 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 12 năm nay, sau khi Australia ngày 31/10 phê chuẩn CPTPP và trở thành quốc gia thứ sáu phê chuẩn hiệp định. Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp đinh CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết manh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của đất nước trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Nâng cao vị thế chính trị, kinh tế của Việt Nam
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, phê chuẩn Hiệp định CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTTP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cho rằng: “Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của đất nước trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Về mặt kinh tế, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9 năm 2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035”.
Ảnh: Tạp chí Tài chính |
Biến thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển toàn diện
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đều cho rằng với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ khẳng định được vai trò vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, củng cố thêm sức mạnh kinh tế cho Việt Nam thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thương mại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường lớn. Ông Trần Anh Tuấn, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng hội nhập nào cũng có yếu tố thách thức, trong đó vấn đề cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt: “Khi hội nhập quốc tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong đó về giá cả, chất lượng, mẫu mã, tính đa dạng… thì chúng ta phải có sáng kiến đổi mới sáng tạo. Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất tốt hơn, năng suất lao động được cải thiện”.
Thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia CPTPP đó là năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy thười gian qua, Chính phủ đã không ngừng cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy môi trường cạnh tranh quốc gia. Để tạo ra nhiều cơ hội khi tham gia Hiệp định, Chính phủ cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền cho các doanh nghiệp nhận thấy cơ hội và thách thức khi tham gia Hiệp định CPTPP. Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Hiệp định này không thuần túy về mặt thương mại, là hiệp định toàn diện và tiến bộ, CPTPP không chỉ bàn về thuế quan mà bàn luôn về đầu tư, sở hữu trí tuệ, về mua sắ m của Chính phủ, về lao động, về đầu tư vào thị trường dịch vụ. Tiến bộ ở chỗ là hiệp định quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiệ thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam , phù hợp với tinh thần của hiệp định CPTPP. Tôi nghĩ rằng cần cung cấp thông tin nhiều và rộng đến các doanh nghiệp để họ nhận thấy cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập vào CPTPP”.
Hiệp định CPTPP đem tới cho các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều cơ hội. Nhưng để hội nhập và phát triển thành công, bên cạnh sự đồng hành của Nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chủ động hội nhập, tìm hướng đi đúng đắn, phù hợp cho sự phát triển của chính mình.