Thế giới chia rẽ trong việc giải quyết khủng hoảng Syria

(VOV5) - 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk đã được Mỹ nã vào căn cứ không quân Syria hôm 7/4. 


Vụ việc gây chấn động và bất ngờ lớn cho tất thảy các nhà quan sát chính trị, quân sự và cộng đồng quốc tế, bởi trước đó chính quyền mới của Mỹ chủ trương không can thiệp vào Syria, thậm chí còn sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Syria Assad để chống IS. Song điều đáng nói là sau vụ việc này, cách mà các nước tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Syria chứng kiến sự chia rẽ và bất đồng sâu sắc, có thể khiến cho cuộc chiến chống IS đứng trước một nguy cơ mới. 

Thế giới chia rẽ trong việc giải quyết khủng hoảng Syria - ảnh 1
Người dân thủ đô Damascus biểu tình phản đối vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ. EPA/TTXVN

Với các tuyên bố và quan điểm trái ngược nhau về hành động Mỹ bất ngờ tấn công bằng tên lửa hành trình vào Syria, việc giải quyết cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia Trung Đông này dường như đang rơi vào bế tắc.


Ủng hộ và phản đối

Trong khi Nga và Iran lên án mạnh mẽ cuộc tấn công, coi vụ không kích của Mỹ vào Syria là một sự gây hấn chống lại một quốc gia có chủ quyền, vi phạm các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, thì nhiều quốc gia khác lại ủng hộ hành động quân sự đơn phương của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trumph.

Thế giới chia rẽ trong việc giải quyết khủng hoảng Syria - ảnh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bảo vệ quyết định tấn công Syria là nằm trong lợi ích của Mỹ, đồng thời tuyên bố đang xem xét các hành động tiếp theo. AFP/TTXVN


Saudi Arabia, quốc gia đồng minh của Mỹ tuyên bố nước này hoàn toàn ủng hộ cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria và gọi hành động của Washington là một "quyết định can đảm". Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ra thông báo nhấn mạnh các hoạt động quân sự của Mỹ nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Syria là một phản ứng đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria đối với thường dân vô tội. Đồng quan điểm, Anh khẳng định cuộc không kích của Mỹ là một phản ứng thích hợp đối với “cuộc tấn công vũ khí hoá học man rợ” do chính phủ Syria gây ra. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ coi cuộc không kích của Mỹ là "cực kỳ tích cực" và khẳng định nước này sẽ hỗ trợ đầy đủ để đảm bảo ông Basar Al-Assad phải chịu trách nhiệm về hành động của chính quyền của mình. Đức và Pháp sau cuộc thảo luận khẩn đã ra một tuyên bố chung kêu gọi một giải pháp hòa bình thông qua Liên hợp quốc. Berlin và Paris cho rằng chế độ Assad phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho cuộc tấn công hóa học tại Syria và cho rằng phản ứng của Hoa Kỳ là "có thể thông cảm được.” Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ những thỏa thuận chính trị nhằm cố gắng ngăn chặn sự leo thang quân sự.

Không chỉ các nước mà trong nội bộ chính trường Mỹ cũng có sự chia rẽ sau vụ tấn công Syria. Trong khi một số nghị sỹ Mỹ hoan nghênh Tổng thống D.Trump vì hành động nhanh chóng tấn công Syria, thì số khác lại thận trọng và nghi ngờ về tính pháp lý của cuộc tấn công. Bên ủng hộ Trump thì cho rằng Tổng thống đã hành động quyết đoán và nhanh chóng, còn bên kia thì cho rằng việc ông D.Trump ra lệnh tấn công mà không thông qua Quốc hội là vi phạm hiến pháp.

Thế giới chia rẽ trong việc giải quyết khủng hoảng Syria - ảnh 3
Trong cuộc điện đàm ngày 9/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cùngchỉ trích hành động tấn công của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của Syria hai ngày trước đó. EPA/TTXVN


Ngã rẽ nào cho cuộc khủng hoảng Syria?

Cuộc tấn công lần này là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ nhằm vào chính quyền Bashar al-Assad sau khi nổ ra cuộc nội chiến Syria, đồng thời cũng là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cái cớ để Tổng thống Trump hạ lệnh tấn công vào căn cứ Syria bên trong lãnh thổ nước này là vụ tấn công hóa học trước đó vài ngày khiến nhiều thường dân Syria thiệt mạng. Tuy nhiên, đằng sau quyết định đó còn ẩn chứa nhiều thông điệp sâu xa. Vụ bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria, theo các nhà quan sát, có thể nằm trong tính toán của ông D.Trumph giành lại quyền chủ động khu vực Trung Đông, xác lập phạm vi ảnh hưởng của mình. Sau vụ tấn công gây chấn động này, hiện cả thế giới đang chờ xem những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Liệu các bên có liên quan trong cuộc chiến đẫm máu tại Syria có tự kiềm chế mình, để không gia tăng cuộc chiến tại Trung Đông? Rõ ràng là quan hệ Nga-Mỹ sau vụ việc này thêm rạn nứt.

Chỉ cách đây chưa lâu, người ta đã từng hy vọng nút thắt Syria sẽ được gỡ bỏ khi có sự thay đổi đáng kể về cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế, trong đó phải kể đến vai trò tích cực của Liên minh Châu Âu (EU) với kế hoạch hỗ trợ quá trình tái thiết Syria. Theo đó Syria cần một “nền hòa bình ủy nhiệm” do cộng đồng quốc tế bảo trợ, thay vì một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” kéo dài đã 6 năm. Với những diễn biến hiện tại, bất đồng giữa những nước có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia Trung Đông này, đang là rào cản lớn cho các nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc xung đột.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác