(VOV5) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thà tham chiến để tiêu diệt CHDCND Triều Tiên còn hơn cho phép nước này phát triển tên lửa hạt nhân tầm xa.
Căng thẳng Mỹ-CHDCND Triều Tiên tiếp tục có nhiều động thái leo thang căng thẳng kể từ sau khi Bình Nhưỡng thực hiện các vụ tên lửa đạn đạo liên lục địa cuối tháng 7 vừa qua. Tìm giải pháp nào cho vấn đề Triều Tiên là câu hỏi được đặt ra lúc này khi mà các biện pháp cấm vận, trừng phạt không phải là công cụ hiệu quả trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm ép buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 trong lần thử thứ hai của Triều Tiên vào đêm 28-7. Ảnh:baodienbienphu |
Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố ngày 02/08, nước này phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III từ bãi phóng cách thành phố Lompoc gần 20 km về phía tây bắc. Cuộc phóng thử được tiến hành nhằm kiểm tra tính hiệu quả, độ chính xác cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu của các hệ thống vũ khí chiến lược Mỹ. Đây là lần phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ 4 của quân đội Mỹ trong năm nay, lần thứ 2 trong tuần này và chỉ vài ngày sau khi CHDCND Triều Tiên phóng thành công ICBM Hwasong-14 về phía biển Nhật Bản.
Khi Mỹ mất kiên nhẫn với CHDCND Triều Tiên
ICBM Minuteman III là một phần trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ, bên cạnh tên lửa Trident III trang bị trên tàu ngầm lớp Ohio và các vũ khí hạt nhân trang bị cho máy bay ném bom chiến lược. Minuteman III có tầm bắn khoảng 13.000 km. Mỗi tên lửa mang được một đầu đạn W87 với sức công phá tối đa 475 kiloton, gấp 31 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima năm 1945. Giới phân tích cho rằng đây là động thái răn đe của Washington trước các hành động gây mất ổn định khu vực của CHDCND Triều Tiên cũng như các giải pháp ngoại giao chưa đem đến kết quả nào.
Cùng với việc liên tiếp phóng ICBM, tuyên bố của nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham, một người theo chính sách ngoại giao "diều hâu", càng làm cho bầu không khí thêm căng thẳng. Phát biểu trên chương trình Today Show của đài NBC hôm 1/8, ông Lindsey Graham khẳng định Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thà tham chiến để tiêu diệt CHDCND Triều Tiên còn hơn cho phép nước này phát triển tên lửa hạt nhân tầm xa. Và nếu biện pháp ngoại giao, đặc biệt là việc gây áp lực lên nước láng giềng Trung Quốc nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thất bại, Mỹ sẽ lựa chọn giải pháp quân sự. Trong khi đó chỉ huy lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Terrence J.O’Shaughnessy khẳng định lực lượng này luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng phản ứng khi nhận lệnh bởi Bình Nhưỡng hiện là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sự ổn định của khu vực. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thì tuyên bố giai đoạn kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc. Tổng thống Mỹ sẽ dẫn dắt liên minh quốc tế tăng cường gây sức ép cả về kinh tế và ngoại giao để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Trong khi Mỹ tìm mọi cách gây sức ép đối với CHDCND Triều Tiên thì Trung Quốc, một đồng minh của CHDCND Triều Tiên trong khu vực lại luôn có quan điểm không đồng nhất với Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Donald Trumph yêu cầu Trung Quốc phải kiềm chế Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh luôn kiên định quan điểm rằng chỉ có đối thoại mới giải quyết được vấn đề. Phản ứng mới nhất với hành động CHDCND Triều Tiên thử ICBM, Trung Quốc chỉ đưa ra tuyên bố phản đối chung, cho rằng hành động của Bình Nhưỡng là vì phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Điều này khiến Washington không thể hài lòng và cho rằng phản ứng của Trung Quốc là không cương quyết và kém hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh nếu Bắc Kinh tiếp tục “án binh bất động” trước Bình Nhưỡng thì nước này sẽ có hành động mạnh mẽ đáp trả.
Cấm vận và trừng phạt có phải là sách lược hiệu quả
Thời gian qua, các cường quốc trên thế giới trong đó có Mỹ đã cố gắng kiềm chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt được Liên hợp quốc hậu thuẫn, tuy nhiên mọi nỗ lực này đều thất bại và khiến Washington đang ngày càng mất kiên nhẫn.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trumph lên nắm quyền, Mỹ luôn thúc đẩy các lệnh trừng phạt nhằm vào CHDCND Triều Tiên mà mới đây nhất là lệnh cấm vận hồi tuần trước sau khi CHDCND Triều Tiên liên tiếp tiến hành hai vụ thử ICBM ngày 4/7 và 28/7 vừa qua. Mỹ cùng từng hy vọng hợp tác với Trung Quốc để mở rộng cấm vận quốc tế chống Bình Nhưỡng. Song trên thực tế Trung Quốc vừa không sẵn lòng vừa không có được khả năng buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang CHDCND Triều Tiên ước tính tăng 20%. Điều này khiến Mỹ bắt đầu cảm nhận được rằng Bắc Kinh không thiện chí gây sức ép với Bình Nhưỡng và cấm vận có thể không đem lại kết quả như Mỹ mong đợi. Trong khi đó, bất chấp các biện pháp trừng phạt, CHDCND Triều Tiên dường như không bị ảnh hưởng lớn, bằng chứng là GDP của CHDCND Triều Tiên thống kê 6 tháng đầu năm tăng khoảng 3,9% so với cùng thời kỳ năm 2016. Có thể thấy lợi ích và toan tính chiến lược của các bên liên quan khiến cho bài toán hạt nhân Triều Tiên cho đến thời điểm này vẫn chưa thể có câu trả lời.