(VOV5) - Các cuộc đàm phán khôi phục JCPOA còn chịu sự chi phối và tác động của hàng loạt vấn đề khu vực phức tạp và khó bóc tách...
Sau nhiều nỗ lực kiên trì đàm phán, các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA), đã bước đầu tìm được tiếng nói chung, mở ra triển vọng khôi phục văn kiện từng được coi là “Thỏa thuận thế kỷ” này. Tuy nhiên, thách thức hồi sinh JCPOA cũng được nhận định là vẫn còn rất lớn, đòi hỏi thiện chí cùng các nỗ lực thực tế của tất cả các bên liên quan.
Các phái đoàn tham dự vòng đàm phán Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) tại Vienna (Áo) ngày 17/4/2021 - Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 7/5, các bên tham gia ký JCPOA năm 2015 gồm Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã nối lại đàm phán tại thủ đô Vienna của Áo bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Theo đó, đại diện của Iran và 5 nước Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức tổ chức đàm phán trực tiếp, trong khi đại diện Mỹ tham gia gián tiếp bằng hình thức trực tuyến từ một khách sạn khác cũng ở Vienna. Tiến trình đàm phán này do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, là vòng đàm phán thứ 4 được các bên tiến hành kể từ ngày 6/4 vừa qua nhằm cứu vãn JCPOA sau quyết định rút lui của Mỹ năm 2018 (kèm theo các lệnh trừng phạt chống Iran), dẫn đến việc Iran từ bỏ một số cam kết. Theo các bên tham gia, bước đầu, tiến trình đàm phán đã thu được những kết quả tích cực nhất định, mở ra hy vọng thỏa thuận có thể được hồi sinh.
Những tín hiệu tích cực
Trong một tuyên bố ngày 10/5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định tiến trình đàm phán viên đã tạo được bầu không khí tích cực. Theo đó, mặc dù các cuộc đàm phán là rất khó khăn, nhưng tất cả các bên đang đàm phán một cách xây dựng.
Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Abbas Araghi sau cuộc đàm phán tại Vienna ngày 7/5 cũng đánh giá: tất cả các bên đều nghiêm túc trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận, bất chấp nhiều thách thức. Thứ trưởng Abbas Araqchi, đồng thời là người đứng đầu phái đoàn Iran tham gia các cuộc đàm phán Vienna nhận xét rằng vòng đàm phán mới nhất này được khởi động với năng lượng “tích cực", bày tỏ hy vọng các bên có thể đạt đồng thuận trong thời gian sớm nhất có thể.
Về phần mình, trong một tuyên bố ngày 6/5, tức một ngày trước khi vòng đàm phán thứ 4 được khởi động, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận định Mỹ và Iran có thể đạt được sự đồng thuận về cách thức để cùng trở lại JCPOA trong vài tuần tới.
Một cơ sở làm giàu urani của Iran - Ảnh: AP |
Theo các nhà phân tích, chưa cần xét tới những kết quả chưa được tiết lộ từ các cuộc thương lượng, chỉ nhìn nhận riêng việc tất cả các bên đã và đang kiên trì đàm phán tới 4 vòng liên tiếp trong vòng một tháng qua, cũng đã là một tiến triển quan trọng hướng tới khả năng khôi phục thỏa thuận. Bởi lẽ, điều đó phản ánh các bên thực sự mong muốn, quyết tâm và có niềm tin nhất định vào khả năng đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những thách thức và trở ngại trước khi đạt được thỏa thuận được cảnh báo là không dễ vượt qua.
Thách thức và trở ngại
Từ trước khi tiến trình đàm phán Vienna được khởi động cho tới thời điểm này, hầu hết các đánh giá của chuyên gia về tiến trình này đều có chung nhận định rằng: mấu chốt vấn đề và cũng là rào cản lớn nhất đối với các nỗ lực khôi phục JCPOA là sự khác biệt quan điểm quá lớn, thậm chí là trái ngược nhau giữa Mỹ và Iran. Cụ thể, Mỹ vẫn theo đuổi lập trường rằng Iran phải khôi phục đầy đủ các nghĩa vụ theo cam kết, trước khi việc dỡ bỏ trừng phạt được xem xét. Ngược lại, Iran kiên định quan điểm rằng: Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước, như điều kiện tiên quyết để Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận.
Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán khôi phục JCPOA còn chịu sự chi phối và tác động của hàng loạt vấn đề khu vực phức tạp và khó bóc tách như cuộc khủng hoảng Syria, vấn đề Iraq, tiến trình hòa bình Trung Đông, nội chiến tại Yemen…, cũng mối quan ngại của các đồng minh của Mỹ tại khu vực như Israel, Arab Saudi….
Theo các nhà phân tích, thực tế này khiến cho nỗ lực đàm phán trong suốt một tháng qua chưa mang lại kết quả, đồng thời đe dọa khả năng đạt được sự đồng thuận trước trước tháng 6 năm nay, thời điểm Iran tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống, sự kiện có thể dẫn tới sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của Iran với JCPOA. Tức là, sau cuộc bầu cử Tổng thống Iran, rất có thể sẽ không có cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA nào được tiến hành, hoặc các bên sẽ phải đàm phán lại từ đầu với tâm thế khó có thể được hào hứng và năng lượng tích cực như hiện nay.