(VOV5) - Từ nhiều thập niên qua, nước Mỹ vẫn liên tục ghi nhận các vụ việc cảnh sát da trắng trấn áp, mạnh tay quá mức và gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với người da màu gốc Phi.
Đã ba tuần trôi qua kể khi cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc đầu tiên bùng phát sau cái chết của người đàn ông da màu dưới bàn tay cảnh sát ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota hôm 25/5, song đến nay, các cuộc biểu biểu tình vẫn tiếp diễn tại hàng trăm thành phố trên khắp nước Mỹ, dù xu thế bạo loạn đã giảm mạnh. Một lần nữa, câu hỏi làm thế nào để hạn chế và ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc, lại được đặt ra.
Người biểu tình tuần hành tại Washington D.C., Mỹ ngày 29/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. - Ảnh: THX/TTXVN |
Từ nhiều thập niên qua, nước Mỹ vẫn liên tục ghi nhận các vụ việc cảnh sát da trắng trấn áp, mạnh tay quá mức và gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với người da màu gốc Phi. Và tất nhiên, đã có nhiều cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra trên đất Mỹ với những quy mô khác nhau được ghi nhận. Tuy nhiên, vụ việc lần này đã tạo ra những hiệu ứng hoàn toàn khác, gây nên làn sóng biểu tình và biểu tình bạo loạn bùng phát khắp nước Mỹ, đồng thời châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại nhiều quốc gia khác.
Một trong các nguyên nhân mấu chốt khiến biểu tình lan rộng và nhanh chóng biến thành bạo lực được chỉ ra là bởi bối cảnh xã hội Mỹ bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và kéo theo nó là sự sụt giảm kinh tế nghiêm trọng cùng nạn thất nghiệp tăng mạnh, nhất là trong cộng đồng người da màu. Thế nhưng, đó không phải là vấn đề được dư luận quan tâm nhất. Theo giới quan sát, điều công chúng quan tâm hơn cả là đã đến lúc nước Mỹ (và nhiều quốc gia khác), cần phải điều chỉnh lại các chính sách đối với người da màu, trước tiên là vấn đề cải cách lực lượng cảnh sát.
Yêu cầu cấp thiết phải cải cách lực lượng cảnh sát
Bà Vanita Gupta từng là người đứng đầu Cục Dân quyền thuộc Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Barack Obama và hiện là người đứng đầu tổ chức Hội nghị lãnh đạo về Nhân quyền và Dân quyền, ở thủ đô Washington, đã kêu gọi mở cuộc điều tra về Sở Cảnh sát Minneapolis (MPD), trong đó tập trung vào các vấn đề rộng hơn tồn tại ở cơ quan này. Theo bà Vanita Gupta, việc chỉ truy tố hình sự cá nhân những cảnh sát liên đới trực tiếp trong vụ việc ngày 25/5, không đủ để giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống tồn tại từ lâu trong các sở cảnh sát.
Thực tế, nhiều cuộc điều tra và báo cáo của Chính phủ Mỹ chỉ ra các cải cách lực lượng cảnh sát đã liên tục được đề xuất trong hơn 20 năm qua, như tăng trách nhiệm cho cảnh sát, hạn chế vi phạm sử dụng vũ lực, xây dựng niềm tin với cộng đồng, song chúng dường như đều ít được thực hiện. Đáng chú ý, trong hơn ba năm qua, chính quyền Tổng thống Trump đã loại bỏ nhiều biện pháp cải cách cảnh sát mà chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama để lại. Jeff Sessions, Bộ trưởng tư pháp Mỹ năm 2017 dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao thiết bị quân sự cho cảnh sát. Lệnh cấm trên được Tổng thống Obama ban hành sau khi cảnh sát Mỹ dùng xe bọc thép đối phó biểu tình tại Ferguson, bang Missouri, liên quan tới vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 18 tuổi. Ông Sessions sau đó khôi phục Chương trình 1033, cho phép Lầu Năm Góc nối lại việc chuyển giao thiết bị, vũ khí hạng nặng cho lực lượng hành pháp.
Thế nhưng giờ đây, khi phong trào biểu tình đã kéo dài sang tuần thứ 3 và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều người hy vọng vụ việc lần này có thể dẫn tới những cải cách lâu dài trong lực lượng cảnh sát ở Minneapolis và trên khắp nước Mỹ.
Áp lực với Chính quyền Tổng thống Trump
Trong vụ việc lần này, Chính quyền Tổng thống Trump đã hứng chịu sự chỉ trích nặng nề của dư luận, đặc biệt là từ phe Dân chủ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, trên thực tế, Tổng thống Trump đã giải quyết các vấn đề lớn hơn của nạn phân biệt chủng tộc trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Theo đó, ông Trump đã tài trợ cho chương trình phát triển cộng đồng có tên gọi Chương trình “Khu vực cơ hội” (“Opportunity Zone program”) rót 75 tỷ USD từ ngân sách đầu tư tư nhân cho các khu dân cư nghèo, phần nhiều là nơi người da màu sinh sống, cũng như thúc đẩy cải cách tư pháp hình sự từ đó cải cách công tác tuyên án, vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người da màu. Đương kim Tổng thống Mỹ cũng đã giải cứu 107 trường đại học và cao đẳng có lịch sử lâu đời của người da màu khỏi bị đóng cửa bằng cách phân bổ 250 triệu USD cho các hoạt động của họ; thiết lập các chương trình cai nghiện để giải quyết vấn nạn này trong cộng đồng người da màu. Đặc biệt, theo một số báo cáo, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dưới thời của Tổng thống Trump, người da màu có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khi đại dịch bùng phát, ông Trump cũng đặt nhu cầu chăm sóc y tế cho người da màu trong đại dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của chính quyền liên bang.
Còn đối với việc xử lý các cuộc biểu tình lần này, Tổng thống đã ngay lập tức ra lệnh cho Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra dân quyền đối với 4 sĩ quan cảnh sát đã sát hại người đàn ông da màu hôm 25/5, cho phép Chính phủ liên bang bổ sung thêm các cáo buộc khác đối với 4 sĩ quan cảnh sát này.
Bởi vậy, theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, áp lực lớn nhất, căn bản nhất với Tổng thống Trump và Chính quyền Mỹ trong cuộc khủng hoảng hiện nay (vốn có tác động quan trọng đối với cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới đây), là làm sao vực dậy nền kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm. Giải quyết được nan đề này, Tổng thống Mỹ mới có thời gian và cơ sở để xử lý thấu đáo và hiệu quả hơn nạn phân biệt chủng tộc vốn được coi là vấn đề “thâm căn cố đế” của nước Mỹ, chẳng hạn như vấn đề cải cách lực lượng cảnh sát./.