(VOV5) - Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị AMM 47 và các Hội nghị liên quan nhằm củng cố đoàn kết, hợp tác ASEAN.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam ngày mai, 5/8, bắt đầu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 47 (AMM-47) và các Hội nghị liên quan tại Naypitaw, Myanmar. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị AMM 47 và các Hội nghị liên quan nhằm củng cố đoàn kết, hợp tác ASEAN; tăng cường vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hoà bình, an ninh khu vực; giữ vững vai trò chủ động của ASEAN trong tình hình mới; thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác, cùng đóng góp cho hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam.
Các Hội nghị lần này là các Hội nghị Bộ trưởng thường niên quan trọng của khu vực, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn 27 nước và tổ chức. Trọng tâm của các Hội nghị này là tập trung kiểm điểm tình hình hợp tác ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian qua, bàn phương hướng thúc đẩy các quan hệ hợp tác này trong thời gian tới; trao đổi về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất là các vấn đề liên quan tới hoà bình, an ninh khu vực.
Mong muốn chung một môi trường hòa bình, ổn định
Trước những diễn biến phức tạp của thế giới, của khu vực, từ những điểm nóng xung đột đến những nguy cơ của biến đổi khí hậu, hay hệ lụy của khủng hoảng kinh tế, tài chính…, đặc biệt là những diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông, các quốc gia thành viên ASEAN đều hiểu và mong đợi một môi trường hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển. Cũng chính vì vậy, tinh thần chung của các Hội nghị lần này là ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: Sẽ đẩy mạnh nỗ lực tham vấn Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đi đôi với việc tiếp tục thực hiện tốt các quy định trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việc khởi động đàm phán và việc định hướng rõ ràng của ASEAN thì tin chắc rằng Trung Quốc phải tiếp tục trao đổi một cách chính thức và nghiêm túc về COC.
Thực chất và hiệu quả quan hệ giữa ASEAN với các đối tác
Nhìn lại 1 năm qua, kể từ Hội nghị ngoại giao ASEAN lần thứ 46 tổ chức tại Brunei, không chỉ đẩy mạnh hợp tác nội khối mà quan hệ của ASEAN với từng bên đối thoại tiếp tục phát triển tích cực và thực chất.
|
Các trưởng đoàn tham dự cuộc họp đặc biệt SOM chụp ảnh lưu niệm ngày 27-6 |
Với Trung Quốc, quan hệ hai bên được mở rộng sang một số lĩnh vực mới và được làm sâu sắc hơn thông qua việc hình thành một số cơ chế mới. Kế hoạch Hành động ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2011 – 2015 được triển khai tích cực. Với Nhật Bản, bên cạnh việc thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký, năm 2014, Nhật Bản tiếp tục tăng cường hợp tác về ứng dụng công nghệ vệ tinh trong quản lý thiên tai, ngoại giao, y tế toàn cầu, tăng trưởng xanh chống biến đổi khí hậu và quản lý đô thị hóa. 33 dự án hợp tác do Nhật Bản đề xuất trọng điểm trên nhiều lĩnh vực và cam kết hỗ trợ ODA trị giá 500 tỷ yên cho các nước vùng Mê Công phát triển hạ tầng trong ba năm tới đang được triển khai hiệu quả. Với Ấn Ðộ, hai bên nỗ lực thúc đẩy các dự án kết nối Ấn Ðộ - ASEAN cả về đường bộ, đường không, hàng hải, kỹ thuật số... Với Hàn Quốc, ASEAN và Hàn Quốc đang dần hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 150 tỷ USD vào năm 2015.
Với Hoa Kỳ, hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối thoại lên tầm chiến lược; Mỹ khẳng định chính sách tăng cường gắn kết với khu vực, cam kết thúc đẩy hợp tác với ASEAN về tất cả các mặt chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân, hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng vào 2015. Mỹ coi ASEAN là trung tâm của cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là trung tâm của chiến lược tái cân bằng mà Mỹ đang hướng tới. Tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-ASEAN, nhất là lĩnh vực quốc phòng, được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng giữa Mỹ và 10 nước ASEAN tổ chức tháng 4/2014: Có thể khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa các nước ASEAN và Mỹ là cơ hội ngày càng tăng để chúng ta tiếp tục cộng tác với nhau nhằm giải quyết những thách thức an ninh mới và lâu dài trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hợp tác quốc phòng ASEAN-Mỹ lần này là một dấu mốc quan trọng cho thấy mối quan hệ ngày càng tăng giữa Mỹ và các nước ASEAN và là một chỉ dấu nữa về vai trò quan trọng của ASEAN mà Mỹ hết sức coi trọng.
Vì một ASEAN đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế
Tiếp tục phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự các Hội nghị lần này sẽ có những đóng góp quan trọng, tăng cường đoàn kết ASEAN cũng như đề xuất các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực. Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong ASEAN, gìn giữ môi trường khu vực hòa bình, ổn định để phát triển cũng là mục tiêu của Việt Nam tại các Hội nghị lần này: Đoàn Việt Nam tham gia tại các hội nghị lần này sẽ có những đóng góp thiết thực và có những sáng kiến để đóng góp vào việc củng cố vai trò đoàn kết của ASEAN, cũng như quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, góp phần duy trì hòa bình, an ninh và an toàn ở khu vực. Việt Nam hoan nghênh mọi sáng kiến cũng như mọi nỗ lực có tính xây dựng và đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực.
Phía trước ASEAN là mục tiêu “Một cộng đồng, một vận mệnh” đòi hỏi ASEAN sẽ vững mạnh trên cả ba trụ cột là: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Cùng với các nước trong Hiệp hội, Việt Nam đang nỗ lực tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, để xây dựng cho được một Cộng đồng vững mạnh, liên kết chặt chẽ và phát triển bền vững vào năm 2015 và những năm tiếp theo./.