(VOV5) - Đi kèm với những Hiệp định này là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động để tận dụng triệt để cơ hội này.
Năm 2015, Việt Nam hoàn tất việc tham gia một số Hiệp định thương mại tự do, nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Khi đó nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm động lực phát triển mới. Tuy nhiên đi kèm với những Hiệp định này là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động để tận dụng triệt để cơ hội này.
|
Nếu không có chính sách điều tiết tốt, làn sóng hàng nhập khẩu sẽ khiến doanh nghiệp trong nước khó khăn. Ảnh: nhandan.com.vn |
Về cơ bản, các Hiệp định thương mại nêu trên sẽ có tác động tốt đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nhưng đi kèm các Hiệp định thường là những rào cản về kỹ thuật, hàng rào về bản quyền thương hiệu, hàng rào về chính sách an sinh xã hội, môi trường… mà các nước nhập khẩu đưa ra chuẩn mực rất cao.
Thách thức song hành với cơ hội
Vòng đàm phán thứ 11 và là phiên cuối cùng về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) kết thúc, sẽ ký kết vào nửa đầu năm 2015. Đây là Hiệp định với mức tự do hóa sâu rộng. Trước hết, hàng hóa Việt Nam xuất vào thị trường EU được lợi lớn về mặt thuế suất. Tính sơ bộ, EU sẽ loại bỏ thuế quan đối với hơn 90 dòng thuế. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm…Theo đánh giá của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết sẽ có tác động rất tích cực đối với Việt Nam, giúp tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng 10-15%. Ngoài ra, Hiệp định cũng là điều kiện thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 30-40%.
Trong khi đó, Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm 12 nền kinh tế thành viên cũng đang được trông đợi sẽ hình thành vào năm 2015, với quy mô chiếm tới 40% tổng GDP toàn cầu, trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam là một trong vài nước được hưởng lợi nhiều nhất vì mục tiêu lớn nhất khi ký TPP là giảm thuế và xóa bỏ các rào cản thương mại. Khi các dòng thuế giảm xuống cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng xuất khẩu sang 11 nước thành viên, trong đó có thị trường có sức mua cao và ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada.
Đối với AEC, lợi ích lớn nhất là doanh nghiệp Việt sẽ được kinh doanh trong một môi trường năng động. Đặc biệt, vị trí địa lý trung tâm của các tuyến vận tải, giao thương toàn cầu cũng là lợi thế để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành.
|
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2015 có thể đạt 28-29 tỷ USD nhờ tác động tích cực của TPP. Ảnh: Viết Thành |
Đánh giá chung về cơ hội của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Đây là cơ hội hết sức lớn đối với các doanh nghiệp. Những mặt hàng chúng ta có thể thâm nhập vào các thị trường này là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam bao gồm: da giầy, dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ…Hiện nay, đối với mặt hàng thế mạnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Bên cạnh những tác động tích cực, sự gia nhập với các FTA cũng khiến cho thị trường nội địa bị cạnh tranh khốc liệt, nhập siêu tăng mạnh. Ngoài ra là việc xuất hiện các nhóm dễ bị tổn thương như nông nghiệp, nông thôn, nông dân, điển hình là nông sản của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt trên chính sân nhà. Thứ trưởng Bộ công thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Khi chúng ta được hưởng thuế suất bằng 0% tại các thị trường mà chúng ta ký kết Hiệp định, thì đương nhiên ở tại Việt Nam cũng phải chấp nhận một số mặt hàng mà thuế suất giảm xuống. Hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng và hoạt động của ngành công thương nói chung đã có định hướng là phải bám sát lợi thế khi Việt Nam gia nhập và ký kết các hiệp định, chúng ta có mặt mạnh nào thì phải đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường đó. Tất cả Hiệp định thương mại đều có thuận lợi và khó khăn. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội thì có nhiều thuận lợi và ưu đãi.
Tận dụng cơ hội vượt qua thách thức
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do là một chuyện, còn thực thi có hiệu quả Hiệp định đó đòi hỏi sự cố gắng hơn nữa từ phía doanh nghiệp, nỗ lực cải cách của Chính phủ để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng: Nếu chúng ta không chuẩn bị và không đáp ứng được những thách thức thì chịu rủi ro và thua kém ngay trên sân nhà. Do đó cần phải chuẩn bị tích cực kể cả công nghệ, chất lượng nguồn lực, hệ thống hạ tầng, môi trường pháp lý, hệ thống thể chế phải nâng tầm.
Theo Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng khi Chính phủ quyết định đàm phán Hiệp định thương mại tự do với một đối tác thì đã tính tới lợi thế và kế hoạch lộ trình để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp vừa hội nhập và bảo vệ thị trường trong nước. Và khi Việt Nam thực hiện được như vậy thì việc cạnh tranh gay gắt, thậm chí đe dọa sản xuất trong nước là không có cơ sở nếu chúng ta thực hiện nghiêm thúc các thỏa thuận đã ký. Đề cập sự chuẩn bị của Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2015 này và những năm tiếp theo khi một loạt Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì công tác truyền thông là quan trọng. Thứ hai là các cơ quan Nhà nước cần có trách nhiệm lớn cần thường xuyên phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, tiếp cận với người dân để kịp thời phản ánh và trao đổi với các đối tác khi những cam kết đã kí phát sinh, cần kịp thời sửa đổi.
Tận dụng tốt những cơ hội do FTA đem lại sẽ là cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và người dân chủ động đáp ứng các điều kiện của sân chơi FTA là rất cần thiết, góp phần quan trọng vào quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước./.