(VOV5) - Ngày 24/10 đánh dấu tròn 70 năm thành lập Liên hợp quốc (24/10/1945 - 24/10/2010). Từ 51 thành viên, giờ đây Liên hợp quốc đã có 193 quốc gia thành viên và 2 quan sát viên, trở thành tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn nhất tới đời sống quốc tế, là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình và thịnh vượng. 38 năm kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam cũng luôn là nước thành viên có trách nhiệm và đóng góp hiệu quả vào tổ chức này.
Kể từ khi thành lập, Liên hợp quốc luôn hoạt động theo tôn chỉ là đảm bảo vì một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Qua 70 năm, Liên hợp quốc trở thành tổ chức hợp pháp duy nhất và có phạm vi hoạt động rộng lớn nhờ số lượng các quốc gia thành viên hầu hết các châu lục trên thế giới. Không chỉ có thẩm quyền lớn trong lĩnh vực phát triển, an ninh, gìn giữ hòa bình, Liên hợp quốc còn là cơ quan bảo vệ các quyền cơ bản của con người trên toàn cầu.
Trở thành thành viên tích cực
Cách đây 38 năm, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Đây là sự kiện mở ra một chương mới cho chính sách “đa phương hóa” “đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm của mình, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực. Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc như duy trì hòa bình và an ninh, chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc. Việt Nam cũng là nước tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế do Liên hợp quốc tổ chức. Năm 2009, Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch luân phiên Hội nghị giải trừ quân bị và hiện đang tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình trên một số lĩnh vực phi vũ trang, phù hợp với điều kiện và khả năng của mình. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã từng nói: Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đem lại vinh dự và giá trị cho hoạt động này của Liên hợp quốc.
|
Bà Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc, tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Ảnh: dantri.com.vn |
Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đồng thời là một trong 8 nước thực hiện thí điểm Sáng kiến “Thống nhất hành động” và đang triển khai thành công Sáng kiến này. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an (7/2009), Việt Nam lần đầu tiên đưa ra sáng kiến tham vấn các thành viên Liên hợp quốc về báo cáo công tác năm của Hội đồng bảo an và được nhiều nước đánh giá cao. Tại các diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam tích cực tham gia thảo luận để giải quyết các vấn đề quan tâm chung về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm nhân quyền, đồng thời đóng góp vào việc cải tổ các cơ quan Liên hợp quốc theo hướng mở rộng minh bạch, dân chủ và hiệu quả.
Vị thế ngày càng được nâng cao
Trong suốt 38 năm qua, Việt Nam luôn tiến hành chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, rộng mở, “đa phương hoá”, “đa dạng hoá” quan hệ quốc tế. Cộng đồng quốc tế thấy rõ Việt Nam là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm. Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các công việc tại Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế quốc tế, đấu tranh bảo vệ các lợi ích của quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các thành viên, nhất là các nước chậm phát triển. Ghi nhận những đóng góp nhiều mặt của Việt Nam vào công việc của Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên đã tín nhiệm bầu Việt Nam là Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016 và vừa mới đây, Việt Nam lại đón nhận tin vui khi trúng cử vào Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 với số phiếu rất cao. Đây không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành quả, thành tựu của Việt Nam trong quá trình đổi mới, mà còn là sự ghi nhận vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc đóng góp giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.
Với đường lối đối ngoại rộng mở của Việt Nam, trải qua 38 năm, quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc phát triển vượt bậc trên tất cả phương diện và trên nhiều cấp độ khác nhau. Tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã không ngừng nâng cao vị thế của mình, góp phần quan trọng vào việc duy trì nền hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới.