(VOV5) - 45 năm kể từ dấu mốc lịch sử này, tinh thần đoàn kết quốc tế, truyền thống nhân văn, nhân đạo sâu sắc của dân tộc Việt Nam, luôn được tiếp nối và phát huy bằng những hành động cụ thể.
Cách đây 45 năm (7/1/1979-7/1/2024), đất nước Campuchia đã hoàn toàn giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Polpot, mở ra một kỷ nguyên hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp. Trong thắng lợi đó, việc quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả của Việt Nam. Kể từ đó đến nay, tinh thần đoàn kết quốc tế đó của Việt Nam tiếp tục được kế thừa và phát huy trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Bộ đội Việt Nam và Campuchia bảo vệ đền Angkor Wat (7/1982). (Nguồn: Quang Thành/TTXVN) |
Tháng 12/1978, đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân và dân Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến hành các cuộc tấn công Khmer Đỏ, giải phóng hoàn toàn Campuchia.
Tinh thần giúp đỡ vô tư, trong sáng
Trong hơn mười năm (1979-1989), các chuyên gia Việt Nam sang giúp cách mạng Campuchia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế trọng đại với tinh thần vô tư, trong sáng, cao cả chưa có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao của thế giới. Chuyên gia Việt Nam đã giúp bạn đi từ con số không đến việc hoàn tất một cuộc hồi sinh dân tộc kỳ diệu. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: Trước lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, chúng ta đã quyết định cử một lực lượng lớn quân đội sang giúp nước bạn, đồng thời cũng là để ngăn chặn âm mưu và các hành động chiến tranh biên giới của quân Pol Pot. Chúng ta đã giải phóng PnomPenh vào ngày 7/1/1979 và đánh đuổi quân Pol Pot rút lên vùng núi phía Tây của Campuchia. Một số học giả Mỹ sau này đều đánh giá cao hành động của Việt Nam cứu đất nước Campuchia khỏi hoạ diệt chủng.
Ngay sau khi giải phóng đất nước Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia trong việc tổ chức chính quyền, cử nhiều chuyên gia kỹ thuật để cải tạo và xây dựng đất nước Campuchia mới, cũng như giúp bảo vệ, ngăn chặn, không cho chế độ diệt chủng quay trở lại bảo toàn thành quả cách mạng của nhân dân Campuchia. Ông Nguyễn Văn Đệ, nguyên chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia, chia sẻ: Khẩu hiệu của chúng tôi là: Khi bạn chưa biết gì thì mình làm thay. Bạn bắt đầu biết làm thì ta với bạn cùng làm. Và khi bạn trưởng thành rồi thì bạn làm, ta chỉ giúp đỡ thôi. Chúng tôi nói rằng đây là một nhiệm vụ đặc biệt. Về mặt tư tưởng, chúng tôi luôn xác định giúp bạn là giúp mình.
Hàng năm, mỗi dịp đất nước Chùa Tháp kỷ niệm ngày thoát khỏi chế độ diệt chủng, hay mỗi khi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia đều không quên bày tỏ sự tri ân đối với Đảng, nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen đã từng nhiều lần nhấn mạnh: Công lao vĩ đại của Việt Nam sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử Campuchia.
Phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế trong thời đại hiện nay
45 năm kể từ dấu mốc lịch sử này, tinh thần đoàn kết quốc tế, truyền thống nhân văn, nhân đạo sâu sắc của dân tộc Việt Nam, luôn được tiếp nối và phát huy bằng những hành động cụ thể.
Nhân dân Campuchia gọi những người lính tình nguyện Việt Nam là 'bộ đội nhà Phật' - đoàn quân của chính nghĩa, giúp đất nước bạn hồi sinh. Nguồn: TTXVN |
Tháng 2/2023, trước những hậu quả tàn khốc của trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên nhanh chóng cử các lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, mỗi nước 100.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả của trận động đất này.
Trước đó, khi động đất và sóng thần gây thiệt hại lớn tại các tỉnh miền Đông Bắc Nhật Bản (năm 2011), Chính phủ Việt Nam đã trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả. Đặc biệt, hàng nghìn tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đã ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị thiên tai với số tiền hơn 161 tỷ đồng (tương đương gần 7,8 triệu USD). Mới đây nhất, thông qua Liên hợp quốc, tháng 11/2023, Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD để cứu trợ nhân đạo người dân Palestine bị ảnh hưởng bởi xung đột ở dải Gaza.
Việt Nam cũng tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Cho đến nay, Việt Nam đã cử gần 790 lượt cán bộ, nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Phát biểu tại lễ tiễn các bác sỹ, chiến sỹ lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Abyei ngày 29/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Hành trang mang theo của các bạn là niềm tự hào dân tộc, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp cùng những phẩm chất cao đẹp của “anh bộ đội cụ Hồ” trong thời đại mới. Cùng với sự đồng hành của Liên hợp quốc và các quốc gia bạn bè, sự ủng hộ của các đối tác quốc tế, các bạn sẽ đóng góp hiệu quả, thiết thực cho hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, khẳng định một Việt Nam có trách nhiệm, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và có ý thức về nghĩa vụ cao cả, khát vọng mọi người dân trên toàn thế giới được sống trong hòa bình, ổn định, an toàn và thịnh vượng.
Xu hướng chung trong các quan hệ hợp tác quốc tế trên thế giới hiện nay là hòa bình, nhân ái, con người được đặt ở vị trí trung tâm. Đó cũng chính là mục tiêu mà Việt Nam luôn mang theo trong hành trang tình nguyện và thực thi các nhiệm vụ quốc tế hiện nay.