(VOV5) - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) khai mạc ngày 17/6 tại Bắc Ireland (Vương quốc Anh) với một chương trình nghị sự đầy tham vọng, tập trung vào nỗ lực vực dậy nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Tuy nhiên, bất đồng về chính sách đối với Syria mà câu hỏi lớn nhất là liệu có nên vũ trang cho quân nổi dậy ở quốc gia Trung Đông này hay không đã phủ mây đen lên bàn Hội nghị Thượng đỉnh lần này.
|
Các nhà lãnh đạo G8. (Ảnh: giaoduc.net) |
G-8 là nhóm 8 quốc gia dân chủ và công nghiệp hàng đầu của thế giới bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ, Canada và Nga. Điểm nhấn của G8 là hội nghị thượng đỉnh kinh tế và chính trị được tổ chức hàng năm với sự tham dự của những người đứng đầu nhà nước với các quan chức quốc tế và nhiều hội nghị bên lề. Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm nay được các nhà lãnh đạo xác định là cơ hội quan trọng để thảo luận hàng loạt những vấn đề liên quan đến nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể là các nước sẽ nỗ lực thúc đẩy hoạt động thương mại để từ đó tạo động lực khôi phục tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới. Nước chủ nhà Anh còn muốn tranh thủ diễn đàn này để thúc đẩy các biện pháp chống trốn thuế và tăng cường sự minh bạch trong hoạt động thương mại.
Thế nhưng, các vấn đề kinh tế dường như không được coi là trọng tâm tại Hội nghị lần này mà thay vào đó là chủ đề Syria nóng bỏng. Ngay trước thềm hội nghị, tình báo Mỹ cho rằng chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học và Nhà Trắng nhanh chóng đưa ra quyết định sẽ trợ giúp vũ khí cho phe đối lập ở quốc gia Trung Đông này. Động thái của Mỹ đã châm ngòi cho những phản ứng khá gay gắt từ phía Moscow. Mặc dù Mỹ chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria, nhưng một trong những động thái đầu tiên là để lại máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa Patriot ở khu vực biên giới Jordani. Trong khi hầu hết các thành viên trong khối ủng hộ, thậm chí còn thúc giục thiết lập vùng cấm bay với Syria thì Nga, một đồng minh quan trọng của Syria, kiên quyết phản đối, cho rằng thông tin về việc chính quyền Tổng thống al-Assad sử dụng vũ khí hóa học là bịa đặt, tương tự như sự dối trá về vũ khí hủy diệt hàng loạt của ông Saddam Hussein ở Iraq trước đây. Dù trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã khéo léo dùng tài thương thuyết của mình để thuyết phục ông Putin đưa Tổng thống Bashar Al-Assad vào bàn đàm phán, nhằm chấm dứt nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria, nhưng lập trường của Moscow vẫn trước sau như một. Thậm chí, ông Putin còn huỵch toẹt mô tả kẻ thù của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad là “những kẻ ăn thịt đồng loại, dám ăn cả tim gan kẻ thù ngay trước ống kính báo chí”. Phía Nga cho rằng việc Mỹ cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria chỉ khiến bạo lực leo thang. Tương tự, trong cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron, Tổng thống Nga V. Putin cũng chỉ trích mạnh mẽ việc phương Tây viện trợ vũ khí cho lực lượng đối lập. Nga tuyên bố tiếp tục ủng hộ Tổng thống Bashar Al-Assad, đồng thời chấp hành luật pháp quốc tế khi cung cấp vũ khí cho chế độ Assad.
Không có nhiều hy vọng về một bước đột phá cho vấn đề Syria sau Hội nghị thượng đỉnh G8 lần này là điều nhiều nhà quan sát dự báo. Có chăng chỉ là vấn đề ấn định được thời gian tổ chức Hội nghị quốc tế hòa bình cho Syria, có thể là vào tháng 7 tới. Bởi cho dù tất cả các bên đều mong muốn Syria đi theo tiến trình hòa bình nhưng với cách tiếp cận còn tồn tại nhiều khác biệt, việc các nước lớn đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề Syria tại Hội nghị lần này dường như khó khả thi. Trong khi đó, tình hình Syria đang có những diễn biến cực kỳ xấu. Theo các nguồn tin tình báo phương Tây, Iran đang có kế hoạch gửi 4000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng sang Syria để hỗ trợ chính quyền Damacus. Cùng phong trào Hezbollah ở Lebanon, Iran cam kết giúp chính quyền Al-Assad đánh bại phe nổi dậy được phương Tây và một số quốc gia Arab hậu thuẫn. Thậm chí Iran và Hezbollah còn đang bắt tay nhau mở một mặt trận mới ở Israel để giành lại cao nguyên Golan. Hiện có khoảng 3-5 nghìn người Syria đang được huấn luyện tại Iran để chuẩn bị tiến vào Golan khi có lệnh. Một dấu hiệu nguy hiểm nữa cho cuộc khủng hoảng Syria là CHDCND Triều Tiên đang bị nghi ngờ đóng vai trò quyết định hỗ trợ chính quyền Syria chế tạo vũ khí hóa học. Theo đó, Bình Nhưỡng đã chuyển giao công nghệ tổng hợp các tác nhân hóa học và chế tạo đầu đạn cho Syria kể từ giữa thập niên 90 và gần đây vừa xuất sang Syria thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất vũ khí hóa học. Thực hư những tin này chưa được ai kiểm chứng nhưng rõ ràng tình hình Syria đang rơi vào hỗn loạn và rất có thể nổ ra một cuộc chiến tranh khu vực trong tương lai gần, để lại những hậu quả vô cùng tàn khốc.
Dẫu vậy, cộng đồng quốc tế vẫn đang chờ đợi những tín hiệu tích cực từ Hội nghị thượng đỉnh G8 ở bắc Ireland để nuôi hy vọng vào một giải pháp đạt được cho Syria, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm, đã làm hơn 93 nghìn người thiệt mạng./.