Doanh nghiệp cần làm gì để được thay đổi, chấm dứt hợp đồng thương mại, lao động khi xảy ra dịch COVID-19?

(VOV5) - Không phải bất kỳ một giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại nào cũng có thể căn cứ vào việc công bố dịch bệnh để có thể áp dụng đượcsự kiện bất khả kháng.

Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Sau hơn 1 tháng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch trên toàn cầu (Đại dịch COVID-19). Một số ý kiến cho rằng, việc công bố Đại dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam hay WHO được coi là sự kiện bất khả kháng (SKBKK) và hậu quả pháp lý là một trong các bên giao dịch có quyền đàm phán lại với bên kia về khả năng khắc phục thiệt hại, khả năng chấm dứt hợp đồng... Tuy nhiên, không phải là bất kỳ một giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại nào cũng có thể căn cứ vào việc công bố dịch bệnh để có thể áp dụng được SKBKK.

Doanh nghiệp cần làm gì để được thay đổi, chấm dứt hợp đồng thương mại, lao động khi xảy ra dịch COVID-19? - ảnh 1

Việc áp dụng SKBKK phải được quy định tại hợp đồng mà các bên giao kết hoặc theo các quy định của pháp luật cho phép các bên có thể áp dụng quy định về bất khả kháng trong giao dịch của mình. Chẳng hạn như Luật Thương mại (2005) cho phép bên vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm khi xảy ra SKBKK (Điều 294) hay Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ 2012) cho phép người lao động (Điều 37) và người sử dụng lao động (Điều 38) được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp có SKBKK.

Nhiều hợp đồng khi soạn thảo có quy định về điều kiện của một SKBKK, các bên trong hợp đồng cần phải tham khảo kỹ các điều kiện của quy định này. Đối với những trường hợp không có quy định cụ thể về bất khả kháng thì áp dụng theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015). Theo Điều 156 của BLDS 2015 quy định: “SKBKK là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, có thể thấy dù là Chính phủ Việt Nam, WHO đã công bố Đại dịch COVID-19 là dịch của Việt Nam hay đại dịch của toàn cầu thì các bên thực hiện các giao dịch, hợp đồng trong nền kinh tế vẫn phải tuân thủ những quy định cụ thể của hợp đồng hay pháp luật để có thể áp dụng quy định về SKBKK. Các bên không thể áp dụng ngay lập tức quyết định công bố dịch của cơ quan có thẩm quyền để từ chối việc thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng không đầy đủ.

Đối với quan hệ doanh nghiệp – người lao động, theo quy định của BLLĐ 2012, dịch bệnh được coi là một trong những lý do để doanh nghiệp có thể điều chuyển người lao động làm công việc khác so với công việc theo hợp đồng (Điều 31), ngừng việc (Điều 98), làm thêm giờ (Điều 107) hay là một nguyên nhân của SKBKK để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 37 và Điều 38 của BLLĐ 2012 và theo quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành BLLĐ 2012. BLLĐ 2012 cũng quy định một số điều kiện nhất định để một người sử dụng lao động hoặc người lao động muốn áp dụng SKBKK để thay đổi việc thực thi hợp đồng lao động. 

 

Các yếu tố cơ bản để hình thành nên sự kiện bất khả kháng là như thế nào?

Như đã nêu quy định tại Điều 156 của Bộ luật Dân sự. Có thể nhận thấy các yếu tố cơ bản để hình thành nên sự kiện bất khả kháng đó là:

1.        Xảy ra một cách khách quan;

2.        Không thể lường trước được;

3.        Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Để chứng minh yếu tố thứ nhất là “tính khách quan”, bên bị thiệt hại từ Đại dịch COVID-19 phải chứng minh những quyết định về tuyên bố đại dịch để xác định sự kiện này xuất phát từ tự nhiên dẫn đến những quyết định về cách ly hay tạm thời không kinh doanh của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương… làm ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới việc thực hiện hợp đồng của bên bị thiệt hại. Bên bị ảnh hưởng cũng cần chú ý là phải xác định mình không chủ ý để nhiễm bệnh hay đi vào vùng có dịch.

Đối với yếu tố thứ hai là “không thể lường trước” thì bên bị ảnh hưởng cũng phải xác định rằng Đại dịch COVID-19 cũng như các quyết định, hành động của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến phòng dịch, dập dịch hoặc hành vi tiêu dùng, sức mua của thị trường bị thay đổi… là những vấn đề mà bên bị ảnh hưởng không thể lường trước được vì xảy ra quá nhanh, chẳng hạn như quyết định tạm dừng kinh doanh nhà hàng, vũ trường, quán karaoke có quy mô trên 30 khách trở lên hoặc quyết định cách ly đội ngũ chuyên gia nước ngoài…

Bên cạnh đó, bên bị thiệt hại cũng cần phải thể hiện được những nỗ lực khắc phục, áp dụng mọi biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại cũng như là để cố gắng thực hiện hợp đồng, giao dịch nhưng không được.

Doanh nghiệp, người dân phải làm gì để được áp dụng điều kiện của quy định về SKBKK?

Doanh nghiệp, người dân tự ý thay đổi, chấm dứt hợp đồng thương mại, dân sự hay lao động với lý do cơ quan có thẩm quyền công bố Đại dịch COVID-19 là không hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Thay vào đó, doanh nghiệp, người dân phải chú ý tới các điều kiện mà pháp luật quy định khi muốn áp dụng tình huống này.

Trong giao dịch giữa các bên theo hợp đồng thương mại hay dân sự, điều kiện để được coi là bất khả kháng do Đại dịch COVID-19 thì bên bị ảnh hưởng của SKBKK này cần thông báo cho bên kia về sự kiện đó như đã nêu ở trên. Việc thông báo nên được thực hiện bằng các hình thức có thể sử dụng được làm chứng cứ trong tranh chấp, như văn bản, thông điệp điện tử. Thông báo này càng sớm càng tốt khi SKBKK xảy ra và nên kèm theo các chứng cứ về SKBKK, ví dụ như Quyết định 173 của Thủ tướng Chính phủ về công bố dịch, thông báo của WHO và các phương án về biện pháp khắc phục hoàn cảnh, hậu quả (nếu có).

Chẳng hạn như trong giao dịch thuê nhà để kinh doanh, bên thuê khi thông báo thay đổi hợp đồng thuê với bên cho thuê thì cần đưa ra căn cứ, chứng cứ về SKBKK do Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của bên thuê. Bên thuê có thể đề nghị được giảm giá thuê trong thời gian dịch bệnh hoặc cả sau khi dịch bệnh kết thúc do khả năng giảm sút về kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Trong mối quan hệ lao động, doanh nghiệp hoặc người lao động cũng cần phải thông báo cho nhau về tình hình dịch bệnh để điều chuyển, ngừng việc, giãn việc, thay đổi giờ làm việc, thay đổi địa điểm hay phương thức làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Doanh nghiệp phải lưu ý bảo đảm các điều kiện do pháp luật lao động quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.

Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941

Website: www.nhquang.com

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác