(VOV5) - Các cá nhân, tổ chức, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài, có hoạt động thanh toán quốc tế không dùng tiền mặt nên lưu ý tới Nghị định này.
Ngày 15 tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024. Các cá nhân, tổ chức, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài, có hoạt động thanh toán quốc tế không dùng tiền mặt nên lưu ý tới Nghị định này.
Luật sư Phương Uyên, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và Cộng sự trình bày một số nội dung của Nghị định 52 có liên quan đến thanh toán quốc tế.
Nghe âm thanh tại đây:
Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.
Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941
Website:www.nhquang.com
Trước tiên, để hiểu rõ như thế nào là thanh toán quốc tế và hệ thống thanh toán quốc tế, Nghị định 52 có quy định:
Thanh toán quốc tế đó là giao dịch thanh toán được thực hiện cho một bên liên quan là tổ chức hoặc cá nhân có tài khoản thanh toán hoặc phương tiện thanh toán phát hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Còn hệ thống thanh toán quốc tế đó là hệ thống thanh toán được thành lập ở nước ngoài và cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế.
Theo hiệu lực thi hành, kể từ ngày 1 tháng 7, Việt Nam sẽ áp dụng các quy định về thanh toán quốc tế trong thanh toán không dùng tiền mặt như sau:
- Khi thực hiện thanh toán quốc tế phải tuân theo một loạt các quy định pháp lý khác nhau, như là phải tuân thủ các quy định của Nghị định 52 cũng như các luật liên quan đến quản lý ngoại hối, bảo vệ dữ liệu người dùng, an ninh mạng, quản lý thuế, pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngoài ra thì còn phải tuân theo các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thanh toán mà Việt Nam tham gia. Riêng việc áp dụng tập quán thương mại thì được thực hiện theo Điều 3 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.
- Đối với các Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì sẽ được tham gia hệ thống thanh toán quốc tế sau khi đáp ứng các điều kiện tại Điều 21 của Nghị định 52, cụ thể là:
Ø Thứ nhất là đã được phép thực hiện hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ø Thứ hai là có chính sách và quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đáp ứng yêu cầu của pháp luật.
Ø Thứ ba là có hệ thống thông tin mà đáp ứng được các yêu cầu về quản trị điều hành, an toàn, bảo mật theo pháp luật Việt Nam; đồng thời phải có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn kết nối các hệ thống thanh toán quốc tế.
Ø Và thứ tư phải là tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.
- Tiếp theo, đối với tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc dịch vụ trung gian thanh toán cho đối tượng khách hàng là người không cư trú và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Để thực hiện giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thì tổ chức này phải thông qua ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Lưu ý, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép tham gia hệ thống thanh toán quốc tế của tổ chức nước ngoài đó.
- Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, để thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế thì tổ chức này sẽ được kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế sau khi đáp ứng các điều kiện tại Điều 22 của Nghị định 52.
- Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì sẽ được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng (ở đây các bạn lưu ý là trừ tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính ra). Dịch vụ này nhằm thực hiện giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài.
Tương tự như đối với đối với tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc dịch vụ trung gian thanh toán đã nêu, thì việc thanh toán, quyết toán cho các giao dịch thanh toán quốc tế phải thông qua ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điểm khác là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế.
- Cuối cùng, đối với các bên liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế thì phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và đồng thời đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam.
Trên đây là một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 52 mà tôi muốn giới thiệu tới quý thính giả, mong rằng các cá nhân, tổ chức và kiều bào ta ở nước ngoài lưu tâm tới Nghị định này khi thực hiện để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình.