Ngày 16/06/2022, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT sửa đổi 2022). Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT hiện hành nhằm khắc phục một số vướng mắc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trên thực tiễn, đáp ứng các cam kết tại các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Nghe âm thanh tư vấn tại đây:
Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.
Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941
Website: www.nhquang.com
Quy định mới về quyền đặt tên tác phẩm
Luật SHTT 2022 bổ sung quy định tác giả có quyền "chuyển quyền sử dụng Quyền đặt tên tác phẩm" cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản. Có thể hiểu quy định này rằng tác giả có quyền cho phép một bên thứ ba đặt lại tên tác phẩm, việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu thay đổi tên tác phẩm trong một số quan hệ/lĩnh vực đặc thù liên quan đến quyền tác giả (ví dụ như quan hệ giữa tác giả và nhà xuất bản trong lĩnh vực xuất bản tác phẩm). Cụm từ "chuyển quyền sử dụng" phản ánh quyền đặt tên vẫn thuộc quyền sở hữu của tác giả, và việc cho phép một bên thứ ba đặt tên tác phẩm không có nghĩa rằng tác giả chuyển nhượng hoàn toàn quyền này. Do vậy, quy định mới này không trái với nguyên tắc "Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân" quy định tại Khoản 2 Điều 45 Luật SHTT hiện hành.
Một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
Luật SHTT 2022 quy định một số trường hợp sao chép tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm, ví dụ:
(i) Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại (không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép);
(ii) Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;
(iii) Một số trường hợp thực hiện sao chép trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm:
Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ;
Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập;
Sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số.
Các quy định nêu trên đã phản ánh chính sách đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới trong việc mở rộng quyền sử dụng tác phẩm một cách hợp lý cho các đối tượng thực hiện học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, một số thuật ngữ trong các quy định chưa rõ ràng và cần thiết có sự ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn để tránh phát sinh khó khăn, vướng mắc khi áp dụng thực tế. Ví dụ, Luật SHTT 2022 chưa có điều khoản quy định cụ thể "thiết bị sao chép" bao gồm những dạng thiết bị nào. Trên thực tế, một tác phẩm có thể được sao chép bằng nhiều loại thiết bị như: máy photocopy, máy ghi âm, máy tính cá nhân, điện thoại thông minh (có camera ghi hình/chức năng ghi âm), do vậy cần có sự hướng dẫn nội hàm cụ thể của "thiết bị sao chép" để việc áp dụng điều luật được chính xác.
Bổ sung trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian
Theo Khoản 77 Điều 1, Luật SHTT 2022, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (sau đây gọi tắt là "ISP") là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, các tác phẩm ngày càng có khả năng cao bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do dễ dàng được số hóa và sao chép trên môi trường mạng Internet. Do đó, việc quy định trách nhiệm pháp lý của ISP là điều cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Luật SHTT 2022 quy định ISP được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của mình trong các trường hợp sau đây:
Chỉ thực hiện việc truyền dẫn nội dung thông tin số hoặc cung cấp khả năng truy nhập đến nội dung thông tin số;
Khi thực hiện chức năng lưu trữ đệm trong quá trình truyền dẫn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải thực hiện một cách tự động, tạm thời nhằm mục đích trung chuyển thông tin và làm cho việc truyền dẫn thông tin hiệu quả hơn, với các điều kiện sau:
(i) chỉ biến đổi thông tin vì lý do công nghệ;
(ii) tuân thủ các điều kiện truy nhập, sử dụng nội dung thông tin số;
(iii) tuân thủ các quy tắc về cập nhật nội dung thông tin số được quy định cụ thể theo cách thức được ngành công nghiệp thừa nhận và sử dụng rộng rãi;
(iv) không ngăn cản việc sử dụng hợp pháp công nghệ được thừa nhận rộng rãi trong ngành công nghiệp để lấy dữ liệu về việc sử dụng nội dung thông tin số;
(v) gỡ bỏ nội dung thông tin số hoặc không cho truy nhập đến nội dung thông tin số khi biết rằng nội dung thông tin số đó đã được gỡ bỏ tại nguồn khởi đầu hoặc nguồn khởi đầu đã hủy việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó;
Lưu trữ nội dung thông tin số của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ với các điều kiện sau: (i) không biết rằng nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; (ii) có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó khi biết rằng nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Quy định nêu trên được ban hành nhằm thống nhất với nội dung tại EVFTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Cần lưu ý rằng các ISP không đương nhiên được miễn trừ trách nhiệm mà họ phải có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet và đảm bảo đạt đủ các điều kiện theo luật định như trường hợp thực hiện chức năng lưu trữ đệm trong quá trình truyền dẫn thông tin và lưu trữ nội dung thông tin số nêu trên.
Bổ sung quy định riêng về thủ tục phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Theo Khoản 39, Điều 1 Luật SHTT 2022, người thứ ba có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ trong các thời hạn sau đây: (i) 09 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố; (ii) 04 tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố; (iii) 05 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố; (iv) 03 tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố. Cần lưu ý rằng Luật SHTT 2022 vẫn duy trì cơ chế cho phép người thứ ba có ý kiến về việc cấp văn bằng bảo hộ tại Điều 112, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Với các quy định nêu trên, tổ chức, cá nhân có thể xem xét 01 trong 02 thủ tục để phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ đối với một đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp như sau:
Trường hợp tổ chức, cá nhân vẫn còn trong thời hạn được quyền phản đối trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ: tổ chức, cá nhân phải nêu ý kiến phản đối bằng văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí. Trình tự, thủ tục xử lý đơn phản đối sẽ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
Trường hợp hết thời hạn được quyền phản đối trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ: tổ chức,cá nhân vẫn có thể nộp văn bản nêu ý kiến phản đối (kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh) theo quy định tại Luật SHTT 2022. Ý kiến phản đối trong trường hợp này sẽ chỉ được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Ngoài các nội dung nêu trên, Luật SHTT 2022 có nhiều điểm sửa đổi đáng chú ý khác liên quan đến nhãn hiệu (bổ sung quy định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nhằm thi hành nghĩa vụ tại Hiệp định CPTPP), các đối tượng sở hữu trí tuệ khác như sáng chế, giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, các điều khoản về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Luật SHTT 2022 sẽ có hiệu lực từ 01/01/2023, tuy nhiên thời điểm có hiệu lực của quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh là từ 14/01/2022 và quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm là từ 14/01/2024. Các doanh nghiệp cần lưu ý cập nhật, nghiên cứu nội dung quy định của Luật SHTT 2022 để đảm bảo tuân thủ các quy định mới.